I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Áp lực chốt lãi, VN-Index lùi giữa vùng tích lũy
VN-Index có mức tăng 0.02% trước áp lực chốt lãi ở vùng giá cao. Thị trường đi ngang và có 53% cổ phiếu và 11/19 ngành tăng điểm. Ngành dầu khí và ngành điện tăng tốt nhờ giá dầu phục hồi và quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Hóa chất và tài nguyên cơ bản giảm trên 2% với KQKD kém tích cực và chi phí đầu vào tăng cao. Hoạt động chốt lãi cũng đã diễn ra ở các cổ phiếu tăng nóng nhưng hoạt động luân chuyển nhanh của dòng tiền vẫn được duy trì. Áp lực chốt lãi mạnh vùng giá cao đã cản trở đà tăng VN-Index như dự báo tuần trước. Lực cầu bắt đáy ở vùng giá thấp dù vậy vẫn khá tốt. Sau khi chốt lãi từng phần ở nhịp tăng giá, NĐT tiếp tục theo dõi phản ứng thị trường trước thông tin tích cực trong kỳ họp Quốc hội trước khi mở lại vị thế.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV diễn ra từ 22/5 – 23/6 và chia thành 2 đợt. Quốc hội sẽ thông qua 8 dự án Luật và cho ý kiến 8 dự án luật trong đó có nhiều luật thu hút sự quan tâm gồm Luật sửa đổi đất đai, luật kinh doanh BĐS, luật nhà ở và luật các tổ chức tín dụng. Kỳ họp cũng xem xét các vấn đề kinh tế xã hội và ngân sách 2022 và thực hiện kế hoạch 2023 cũng như thông qua đề xuất giảm thuế VAT và công tác nhân sự. Kỳ họp Quốc hội diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do nhu cầu thế giới suy giảm kéo theo nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các giải pháp hỗ trợ đã được Chính phủ đề xuất và sẽ được Quốc hội thông qua hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng qua đó duy trì động lực tăng trưởng và an sinh xã hội.

TTCK Thế giới
Thông tin trần nợ Hoa Kỳ đang chi phối diễn biến thị trường
Chủ tịch hạ viện nhân định tích cực về khả năng đạt thỏa thuận nâng trần nợ công Hoa Kỳ vào cuối tuần tới đã giúp thị trường có những phiên tăng điểm tốt. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 2% và 4% trong tuần, đưa các chỉ số lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Thị trường Châu Âu tiếp tục tăng 0.7% của EU600 và các thị trường chủ chốt Pháp và Đức tăng từ 1-2%. Diễn biến TTCK Châu Á lại khá phân hóa trong khi TTCK Nhật tăng mạnh 4.8% thì các chỉ số khác phân hóa và tăng giảm nhẹ. TT hàng hóa cũng ghi nhận mức tăng 1.5%, trong đó dẫn đầu từ giá dầu, gas tự nhiên và quặng sắt. Giá vàng lại giảm trên 2% khi DXY tiếp tăng thêm 0.6% (tăng 1.5% kể từ đầu tháng 5). Trong tuần tới ngoài biên bản FOMC, NĐT sẽ tiếp tục theo dõi cuộc họp nợ công tại hạ viện Mỹ.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc tháng 4 công bố yếu hơn dự báo và cần thêm các chính sách để duy trì đà hồi phục kinh tế. Chỉ số sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định tăng lần lượt ở mức 5.6%, 18.4% và 4.7%. Số liệu này kém xa so với mức dự báo và cũng khá thất vọng so với mức nền thấp của năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị giảm còn 5.2% tuy nhiên mối lo ngại ở tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ tăng lên mức kỷ lục 20.4%. Các chỉ tiêu đầu quý II này xác nhận đà hồi phục có dấu hiệu chững lại trong bối cảnh thị trường bất động sản yếu, kinh tế gần mức giảm phát và người tiêu dùng thận trọng. Trung Quốc cần thêm các chính sách kích thích để duy trì đà hồi phục. Chính sách tiền tệ không đủ nâng đỡ niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp mà cần thêm các chính sách công nghiệp và tài khóa trong thời gian tới.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Chính phủ: trong đề xuất mới nhất, sẽ có một số nhóm hàng hoá, dịch vụ không được giảm thuế VAT 2%: viễn thông, CNTT, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh BĐS, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế TTĐB.
- Thủ tướng: ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, đến năm 2050, tỷ lệ NLTT có thể lên tới 71.5%.
- Dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 5, dự kiến kéo dài từ 22/5 đến 23/6. Tại lần sửa đổi này, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, nhằm luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.
- NHNN: vừa gửi thông tin liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và lãi suất, trong đó cơ quan quản lý đã đưa ra các lý giải về nguyên nhân của lãi suất cho vay hiện vẫn cao do đâu.
- Bộ Công thương: việc tăng giá điện bình quân thêm 3% đã được tính toán kỹ, điều chỉnh căn cứ theo Quyết định 24 của Chính phủ. Đây là mức tăng thấp nhất của Quyết định 24. Các đơn vị liên quan đã tính toán nhiều yếu tố, trong đó không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Thế giới
- Quan chức FED: lạm phát quá cao, hiệu quả của môt số biện pháp bắt đầu chậm lại. Tuy nhiên, một năm là không đủ để cảm nhận toàn bộ tác động của các đợt tăng lãi suất.
- Hoa Kỳ: doanh số bán lẻ tháng 4 tăng 0.4% so với tháng trước, thấp hơn mức dự báo 0.8%.
- Eurozone: CPI tháng 4 +7.0% YoY, con số trước đó là 6.9%. CPI lõi +5.6% YoY.
- Nga: GDP của nước này đã giảm khoảng 1.9% trong quý 1/2023. Mức sụt giảm GDP ít hơn so với dự kiến, cho thấy nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn và bắt đầu tăng trưởng.
- Nhật Bản: lạm phát quốc gia tăng trở lại vào tháng 4 và CPI cơ bản không bao gồm thực phẩm tươi sống và năng lượng đạt 4.1%, mức cao nhất kể từ những năm 1980
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV từ ngày 22/5 đến 23/6;
- 22/5, Chỉ số niềm tin tiêu dùng EU.
- 23/5, Cán cân vãng lai EU; PMI sản xuất, dịch vụ và Doanh thu nhà xây dựng mới Hoa Kỳ.
- 24/5, Lãi suất và biên bản tiền tệ NHTW New zealand, CPI Anh; MPI Anh, EU; Dự trữ dầu thô Hoa Kỳ.
IV. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

Nhận xét: Trong tuần 20, 0 giá trị tín phiếu được phát hành. Đồng thời, SBV cũng không thực hiện mua giấy tờ có giá. Tổng kết lại, SBV đã bơm ròng 12.9 nghìn tỷ đồng.
- Lãi suất liên ngân hàng bình quân qua đêm: 4.91%
- Khối lượng giao dịch liên ngân hàng bình quân qua đêm: 191 nghìn tỷ VNĐ
