I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Áp lực chốt lãi mạnh, thị trường giảm gần về mặt bằng trước Tết AL
VN-Index giảm mạnh trước áp lực chốt lãi ngắn hạn và sự suy yếu nhanh của các cổ phiếu trụ cột. Thị trường dù vậy cân bằng trong 2 phiên cuối tuần khi khối ngoại mua ròng rõ rệt trở lại. VN-Index cả tuần giảm 3.58%. Đà giảm diễn ra trên diện rộng với 257/404 cổ phiếu và 15/19 ngành giảm điểm. Một số ngành đã tăng mạnh và ngành có hệ số beta cao như Hàng cá nhân & gia dụng, du lịch & giải trí, dịch vụ tài chính và bất động sản giảm trên 5% trong khi Bán lẻ, ô tô & phụ tùng, y tế và truyền thông đi ngược xu hướng. Mùa công bố KQKD gần kết thúc và khối ngoại giảm mạnh mua ròng trong 3 phiên đầu tuần đã thúc đẩy hoạt động chốt lãi ngắn hạn và đỉnh điểm diễn ra trong phiên 1/2. Thanh khoản có dấu hiệu cải thiện sau kỳ nghỉ Lễ nhưng phần lớn tăng ở những phiên giảm điểm. Tâm lý thị trường cuối tuần dần ổn định và VN-Index có thể phục hồi nếu ngưỡng hỗ trợ 1,060 điểm của mô hình mô hình tam giác hội tụ được giữ vững. Nhà đầu tư có thể cân nhắc canh mua tại những nhịp rung lắc nhằm đón đầu mùa ĐHCĐ sắp tới.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 1 năm 2023 cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 14.6% tháng trước và 8% yoy; FDI đăng ký và giải ngân giảm lần lượt 19.8% và 16.3% yoy; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 5.2% tháng trước và 20% yoy; Kim ngạch XK ước giảm 13.6% tháng trước và 21.3% yoy, xuất siêu 3.6 tỷ USD; CPI tháng 1 tăng 0.52% tháng trước và tăng 4.89% yoy; Khách quốc tế tăng
23.2% tháng trước. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô phần lớn sụt giảm do hoạt động sản xuất kinh doanh gián đoạn trong 1 tuần nghỉ Tết Al 2023 tuy nhiên ngay một số chỉ tiêu có hiệu ứng tích cực từ kỳ Nghỉ Lễ như tổng mức bán lẻ và khách quốc tế cũng chưa thể quay lại thời điểm trước dịch. Điều này cho thấy các cấu phần tăng trưởng khác cần chuyển biến mạnh để bù đắp cho mục tiêu tăng trưởng 6.5% năm 2023.

TTCK Thế giới
TTCK các nước phát triển tiếp tục thăng hoa ngay cả khi kỳ vọng chính sách tiền tệ không được FED đáp ứng
FED tăng lãi suất như thông điệp trước đó không làm cho TTCK Hoa Kỳ giảm hưng phấn nhờ niềm tin vào lạm phát suy yếu và KQKD tích cực. Chỉ số S&P 500 tăng trên 2% và các chỉ số chứng khoán nước Châu Âu cũng nối dài đà tăng với mức tăng bình quân trên 1%. Diễn biến các thị trường Châu Á dường như chưa bắt kịp với các nước phát triển khi giằng co đi ngang trong khi TTCK gây bất ngờ giảm mạnh 3.5%, lấy đi hơn 2/3 mức tăng điểm của tuần trước kỳ Nghỉ Lễ. Chỉ số hàng hóa Bcom giảm tiếp 2.7%, dẫn đầu là mức giảm từ giá dầu và gas tự nhiên lần lượt 4.2% và 22.6%. Ngoài ra các kim loại quý cũng giảm trên 2% sau một đợt tăng mạnh. USD Index cũng tiếp tục tăng 0.5% ghi nhận mức tăng tuần thứ 2. VND duy trì mức ổn định hỗ trợ cho hoạt động mua vào ngoại tệ của NHNN. Hoạt động của FED và hiệu ứng mở cửa Trung Quốc có dấu hiệu lu mờ trước mùa công bố KQKD tích cực tuy nhiên các yếu tố này sẽ quay trở lại chi phối thị trường khi mùa công bố KQKD dần kết thúc.
FED tiếp tục nâng lãi suất thêm 0.25% và không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy đà tăng lãi suất sắp tới cuối chu kỳ. Điều này không nằm ngoài các thông điệp FED đã đưa ra trước đó nhưng không như kỳ vọng của một bộ phận thị trường dự đoán trên tín hiệu tích cực từ lạm phát suy giảm. FED cho biết lạm phát đã hạ nhiệt phần nào nhưng vẫn còn cao và họ vẫn cần thấy cần phải tiếp tục nâng lãi suất. Mức độ tăng lãi suất
xác định dựa trên tác độ của các đợt tăng lãi suất, độ trễ chính sách và diễn biến các điều kiện tài chính cũng như nền kinh tế. Về kinh tế, FED đánh giá tăng trưởng ở mức khiêm tốn nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Bên cạnh quyết định tăng lãi suất, FED tiếp tục giảm số dư nắm giữ trái phiếu 95 tỷ USD trái phiếu và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp đáo hạn.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Thủ tướng: ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg chỉ đạo khẩn trương trình dự thảo Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp.
- Bộ Tài chính: tính đến 31/1/2023, ước tính tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt 80.63% kế hoạch, đạt 92.97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
- Chủ tịch UBCKNN: Hệ thống giao dịch KRX đi vào hoạt động trong năm 2023.
- Tổng cục Thống kê: tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong T1.2023 đạt gần 1.7 tỷ USD, giảm gần 20% YoY. Số dự án cấp mới tăng 48.5% và gấp 3.1 lần về vốn đăng ký svck.
- VASEP: trong T1.2023, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 31% svck.
- Hà Nội: Dệt may thiếu đơn hàng, chỉ gần 70% doanh nghiệp hoạt động sau Tết. Nguyên nhân do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất.
Thế giới
- FED: nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4.5%-4.75% trong cuộc họp T2.2023 và không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sắp tới cuối chu kỳ nâng lãi suất.
- ECB: đã tăng cả ba loại lãi suất chính lên 50 bps, phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Trong đó, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đều tăng lần lượt ở mức 3%, 3.25% và 2.5%.
- BOE: tăng lãi suất lên 50 bps lên 4% như kỳ vọng, rủi ro lạm phát vẫn nghiêng về xu hướng tăng.
- BOC: tăng lãi suất chủ chốt thêm 25 bps lên mức 4.5% và cân nhắc không tăng lãi suất thêm.
- BOJ: trong T1.2023 đã mua vào hơn 23,690 tỷ Yên TPCP (khoảng 182 tỷ USD) nhằm bảo vệ trần lãi suất kỳ hạn 10 năm
- Mỹ: số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ghi nhận 183,000 trong tuần kết thúc vào ngày 28/1, thấp nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 23/4/2022.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- 6/2, Cán cân thương mại Trung Quốc; Doanh thu bán lẻ EU.
- 7/2, Lãi suất và biên bản lãi suất NHTW Australia; Cán cân thương mại Canada và Hoa Kỳ.
- 8/2, Dự trữ dầu thô Hoa Kỳ.
- 9/2, CPI, cung tiền M2, nợ mới Trung Quốc; Dự báo kinh tế EU; Đơn xin trợ cấp thất nghiệp Hoa Kỳ.
- 10/2, GDP Anh; Tỷ lệ thất nghiệp Canada; Tâm lý tiêu dùng Hoa Kỳ
IV. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

Nhận xét: Trong tuần 05, 15 nghìn tỷ đồng giá trị tín phiếu được phát hành, ngoài ra SBV thực hiện mua 77.19 nghìn tỷ đồng giá trị giấy tờ có giá. Tổng kết lại, SBV đã bơm ròng 49.54 nghìn tỷ đồng qua OMO. Thanh khoản và lãi suất giao dịch liên ngân hàng bình quân qua đêm tăng nhẹ trong tuần 05/2023.
- Lãi suất liên ngân hàng bình quân qua đêm: 6.23%
- Khối lượng giao dịch liên ngân hàng bình quân qua đêm: 236.26 nghìn tỷ VNĐ
