I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Dòng tiền thu hẹp và diễn biến chỉ số có phần tiêu cực
VN-Index bất ngờ diễn biến kém tích cực cùng diễn biến của thị trường thế giới với mức giảm 3.05% và thanh khoản có xu hướng sụt giảm. Các cổ phiếu trụ cột suy yếu nhanh, kéo theo đà sụt giảm trên diện rộng của 18/19 ngành và 75% số cổ phiếu giảm điểm. Chỉ số giảm sâu và thanh khoản thu hẹp cũng lấy đi cơ hội trading luân chuyển của dòng tiền theo ngành và theo các cổ phiếu có câu chuyện của những tuần trước. Thanh khoản nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục thu hẹp trước kỳ nghỉ Lễ nhưng cũng là thời điểm phù hợp cho việc đỡ NAV của một số quỹ. Chỉ số đang ở thời điểm khá nhạy cảm và khả năng tăng hoặc giảm theo mô hình kỹ thuật falling wedge như nhau. Do vậy, chúng tôi cho rằng NĐT cẩn trọng tránh mua đuổi và chờ các tín hiệu rõ ràng hơn trước khi giao dịch.
Theo kế hoạch Bộ GTVT, 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II sẽ đồng loạt khởi công 11.5 tháng chuẩn bị, rút ngắn thời gian đáng kể so với 2.5 năm của giai đoạn I kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Các địa phương có tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn II đi qua đã bàn giao 426/721 km hay 59% khối lượng công việc qua đó cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ bàn giao mặt bằng. Dự án trọng điểm này đã lập kỷ lục và rút ngắn được hơn 1/2 thời gian chuẩn bị, không chỉ tạo xung lực giải ngân ngay từ đầu năm 2023 mà còn mang lại kỳ vọng về việc đẩy mạnh tiến độ đầu tư công trong năm 2023 sau nhiều năm không đạt tỷ lệ giải ngân cao như kỳ vọng.

TTCK Thế giới
TTCK Hoa Kỳ tiếp tục giảm điểm do tâm lý lo ngại suy thoái
Các chỉ số CK Hoa Kỳ tiếp tục giảm bình quân 1.8% sau mức giảm 2.5% tuần trước. Tâm lý lo ngại nền kinh tế suy thoái tiếp tục trỗi dậy trước lo ngại chính sách thắt chặt tiền tệ hơn từ các NHTW. Các thị trường phát triển khác hồi phục nhẹ, ngoại trừ Nhật Bản ghi nhận mức giảm 4.7% trước biến động tăng giá của JPY. TTCK Châu Á phân hóa, 2 thị trường tích cực trước đó là Trung Quốc và Việt Nam đều giảm trên 3%. Sau tuần tăng điểm, TT hàng hóa giảm lại 0.8%, chủ yếu đến từ giá gas tự nhiên (-24.8%), Thép (-2.7%) và Quặng sắt (-1.9%). Thị trường tiền tệ, USD tiếp tục suy yếu thêm 0.3%, giảm nhẹ so với các đồng tiền chủ chốt và giảm mạnh -2.9% so với JPY. Trong tuần tới, thị trường không có thông tin quan trọng trước kỳ nghỉ Lễ và vận động các thị trường phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý.
BOJ bất ngờ nới biên độ lợi suất mục tiêu của Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm trong phạm vi 0.5% quanh mức 0% so với trước đây 0.25%. Thống đốc BOJ cho rằng đây không phải là thắt chặt cũng không phải là bước đệm tiến tới rút lui tuy nhiên điều này nằm ngoài dự báo khảo sát khiến cho yên tăng giá đẩy lợi tức trái phiếu tăng và cổ phiếu giảm mạnh. Quyết định thay đổi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu của BOJ cũng kích hoạt làn sóng bán tháo TPCP trên toàn cầu. Lợi tức trái phiếu Hoa Kỳ, Anh, Đức kỳ hạn 10 năm tăng từ 0.1% – 0.3%. BOJ dù vậy vẫn duy trì mức lãi suất âm 0.1%, do vậy động thái này vẫn chỉ nhìn nhận là điều chỉnh giúp đường cong lãi suất ổn định hơn và biến động TPCP các nước có thể chỉ là sự phản ứng tức thời mang yếu tố tâm lý.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Chính phủ: thông qua việc trình UBTVQH dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề nghị của Bộ Tài chính.
- Chính phủ: đang dự thảo nghị định mới nhằm đồng bộ với luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, đề xuất tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30% tổng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
- Chính phủ: có công văn 1187/TTg-KTTH về việc thực thi chỉ thị số 06/CT-TTg về tăng cường, củng cố hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.
- Thủ tướng: ký Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động và chăm lo đời sống người lao động.
- NHNN: bơm mạnh tiền trên thị trường mở với kỳ hạn dài qua Tết sau khi nâng room tín dụng cho các nhà băng và khuyến khích đẩy vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịp cuối và đầu năm mới.
- NHNN: tạm dừng hoạt động bơm thanh khoản qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) kỳ hạn 91 ngày. Các ngân hàng có thêm dư địa để cho vay nhưng chịu áp lực thanh khoản trong 3 tuần cuối năm.
- NHNN: mở lại kênh hút tiền sau hơn 1 tháng tạm dừng.
- NHNN: có văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung về tín dụng, lãi suất.
- Bộ Tài chính: tổ chức tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 chiều ngày 19/12. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị.
- Bộ Tài chính: Dự kiến đến cuối năm dư nợ công khoảng 43-44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP.
- Bộ Tài chính: thu NSNN năm 2022 đạt 1,691.8 nghìn tỷ đồng, vượt 19.8% so dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội.
- Bộ Tài chính: đề nghị các đơn vị trong ngành bám sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.
- Thanh tra Bộ Tài chính: tính đến ngày 15/12 đã thực hiện trên 87.5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính là 72,900 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách nhà nước 21,770 tỷ đồng.
- UB QLVNN: phương án xử lý một số dự án thua lỗ, kém hiệu quả kéo dài ngành công thương sẽ được báo cáo Bộ Chính trị trong Q1.2023.
- VAFI: kiến nghị đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Các doanh nghiệp được đề xuất bao gồm: PVN, EVN, TKV, VNPT, MobiFone, Viettel, VNX, VSDC, các công ty xổ số kiến thiết, …
- HSBC: nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay lên 8.1%. Năm 2023, hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 5.8%.
Thế giới
- BOJ: dự kiến sẽ duy trì lãi suất thấp và đảm bảo với thị trường rằng nó sẽ chưa vội rút lại các biện pháp kích cầu, đồng thời quyết tâm duy trì CSTT nới lỏng cho đến khi lạm phát tiếp tục đạt mức 2%.
- ECB: nhà hoạch định chính sách của NHTW Châu Âu cho biết sẽ có đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tiếp theo vào tháng 2.
- EC: đã thông qua kế hoạch hỗ trợ kinh tế trị giá 49 tỷ euro cho Đức. Theo đó, hỗ trợ tài chính sẽ ở dạng trợ cấp trực tiếp, giảm chi phí điện, khí đốt và sưởi ấm.
- Mỹ: chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board ghi nhận 108.3 vào tháng 12, mức cao nhất kể từ T4.2022.
- Mỹ: GDP thực tế trong Q3.2022 ghi nhận 3.2%, cao hơn mức 2.90% dự kiến. Trong đó chi tiêu của người dùng +2.3%.
- Trung Quốc: niềm tin kinh doanh chạm mức thấp nhất kể từ T1.2013, chỉ số giảm từ 51.8 xuống 48.1 trong tháng 12.
- Trung Quốc: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của quốc gia này năm 2022 xuống còn 2.7%, giảm so với mức 4.3% đưa ra hồi T6.2022.
- Trung Quốc: tăng nhập khẩu than ở các thành phố trung tâm sau khi nền kinh tế có dấu hiệu mở cửa trở lại. Điều này sẽ tác động đến dòng chảy thương mại thanh toàn cầu, giá cả và lượng khí thải 2023.
- EU: đã thông qua mức trần giá khí đốt ở mức 180 EUR, đây là mức trần giá lần đầu tiên trong lịch sử đối với mặt hàng khí đốt của Nga.
- Canada: chỉ số giá sản xuất IPPI tháng 11 -0.4%, con số trước đó là +2.4%.
- Canada: chỉ số CPI tháng 11 +6.8%, cao hơn dự kiến +0.1%, con số ghi nhận tại tháng trước là +6.9%. Trong đó, giá thực phẩm tăng +11.4%, giá xăng tăng +13.7%.
- Anh: GDP Q3.2022 -0.3% QoQ, ghi nhận sự sụt giảm của nền kinh tế kể từ Q1.2021. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng chi phí tại quốc gia này cũng đang lan rộng.
- Đài Loan: đơn đặt hàng xuất khẩu giảm -23.4%, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng toàn cầu hơn một thập kỷ trước, đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm công nghệ đang suy giảm.
- Nhật Bản: CPI toàn phần tháng 11 tăng 3.8% svck, cao hơn con số dự kiến là 3.7%. CPI lõi T11 là 3.7% svck – đây là mức cao nhất trong 40 năm.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Thông tin kinh tế vĩ mô tháng 12 và cả năm 2022
- 26/12, Nghỉ giao dịch.
- 27/12, Tỷ lệ thất nghiệp, Doanh thu bán lẻ Nhật bản.
- 28/12, Doanh thu bán nhà qua sử dụng Hoa Kỳ, chỉ số PPI Anh.
- 29/12, Đơn xin trợ cấp thuyết nghiệp, Dự trữ đầu thô Hoa kỳ.
- 30/12, Chỉ số PMI Trung Quốc, PMI Chicago Hoa Kỳ.
IV. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

Nhận xét: Trong tuần 51, 80 nghìn tỷ đồng giá trị tín phiếu được phát hành, ngoài ra SBV thực hiện mua 14.57 nghìn tỷ đồng giá trị giấy tờ có giá. Tổng kết lại, SBV đã hút ròng 94.03 nghìn tỷ đồng qua OMO. Thanh khoản và lãi suất giao dịch liên ngân hàng bình quân qua đêm giảm trong tuần 51.
- Lãi suất liên ngân hàng bình quân qua đêm: 4.11%
- Khối lượng giao dịch liên ngân hàng bình quân qua đêm: 214.6 nghìn tỷ VNĐ
