I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Các cổ phiếu lớn đang làm nền cho các cổ phiếu hồi phục trên diện rộng
Khối ngoại duy trì đà mua ròng và nhiều cổ phiếu lớn tăng trong phiên giao dịch cuối tuần đã giúp cho VN-Index duy trì 2 tuần tăng điểm liên tiếp. Chỉ số chỉ tăng 0.2% nhưng có đến 259/401 cổ phiếu và 14/19 ngành tăng điểm. Sự ổn định của nhóm cổ phiếu có quy mô vốn hóa lớn đang làm nền cho đà hồi phục trên diện rộng. Ngoài ngành Tài chính vẫn tăng tốt thị trường có sự luân chuyển tăng điểm mạnh ở nhóm Dầu khí và Hàng cá nhân trong khi ngành Bán lẻ, Tiện ích và Bất động lại điều chỉnh sau tuần tăng mạnh. Hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại là điểm sáng trong thời gian qua khi họ đã mua ròng khoảng 336 triệu USD trong tháng 11 và thông tin một quỹ ngoại chuẩn bị giải ngân thêm 160 triệu USD đã giúp tâm lý thị trường tích cực củng cố cho xu hướng hồi phục và cơ hội cho hoạt động giao dịch ngắn hạn.
Báo cáo Forbes cho thấy Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế vượt qua tác động của đại dịch. GDP bình quân năm 2021 đạt 3,694 USD. Từ 2006 đến 2021, GDP bình quân tăng gần gấp 5 lần. Tăng trưởng GDP bình quân có thể phần lớn do nền kinh tế Việt Nam ngày càng đa đang hóa với chỉ số phức tạp kinh tế ECI tăng từ vị trí 83 lên 61 trên thế giới. Báo cáo nhấn mạnh GDP bình quân đầu người VN tăng ấn tượng nhất
so với tất cả các quốc gia, phản ảnh xu hướng năng động và phát triển vượt bậc của nền kinh tế trong những năm qua. Phòng PTNC cho rằng thu nhập bình quân đầu người của VN tăng sẽ là điều kiện quan trọng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh dịch vụ, tiêu dùng và cũng là nền tảng cho sự phát triển các kênh đầu tư đa dạng trong nước, giảm mặt bằng lãi suất trong trung dài hạn.

TTCK Thế giới
Phố Wall tăng điểm sau khi công bố biên bản FOMC của FED
Biên bản FOMC cho thấy FED đang đạt tiến bộ trong cuộc chống lạm phát và sẽ làm chậm tốc độ nâng lãi trong cuộc họp tháng 12 và năm 2023. Các chỉ số CK Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng bình quân 1.5%. Diễn biến tăng điểm tương đồng trên các TTCK Châu Âu và TTCK Châu Á. Mặc dù gặp bất lợi từ làn sóng covid đạt đỉnh và đóng cửa tại một số thành phố quan trọng, TTCK Trung Quốc vẫn giữ được vùng điểm xung quanh tham chiếu của tuần. Chỉ số USD Index sụt giảm gần 1% kéo theo sự hồi phục của nhiều đồng tiền chủ chốt khác như EUR, GPB, CNY dù vậy USD vẫn tiếp tục tăng giá so với JPY và các đồng tiền khu vực mới nổi và thị trường biên. Nhiều loại hàng hóa cũng giảm giá tuần qua qua ngoại trừ nhóm kim loại quý.
Báo cáo ra ngày 22/11, OECD dự báo tăng trưởng thế giới giảm từ 3.1% năm 2022 xuống còn 2.2% năm 2023 do lạm phát cao, xung đột Nga – Ukraine, niềm tin tiêu dùng suy giảm và nhiều yếu khó đoán định. Trước đó, báo cáo tháng 10 IMF cho rằng thế giới ở giai đoạn “rất mong manh”, tăng trưởng ngày một chậm và lạm phát gia tăng và dự báo tăng trưởng 2023 ở mức 2.7%. Năm 2023 sẽ có 25% khả năng tăng trưởng toàn cầu giảm dưới 2% và 1/3 nền kinh tế toàn cầu chứng kiến 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm. Báo cáo WB, ADB đều dự báo bức tranh kém tươi sáng trong năm 2023 và đặc biệt chủ tịch WB cảnh báo thế giới đang đối mặt với “làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ”; ECB cho biết xác suất suy thoái của Eurozone năm 2023 tăng lên 80%. Trạng thái phong tỏa các Thành phố lớn Trung Quốc trước ca nhiễm tăng kỷ lục vào cuối năm 2022, triển vọng kinh tế thế giới 2023 có thêm gam màu xám.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Bộ Tài chính: xây dựng 4 phương án giá dầu thô để linh hoạt áp dụng mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn trong năm 2023 mà không phải xin ý kiến UBTVQH.
- Bộ Tài chính: sau buổi làm việc với các CTCK và các DN phát hành trái phiếu ngày 23/11, bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát khung pháp lý, kể cả Nghị định 65 vừa được ban hành; lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và có sự điều chỉnh phù hợp.
- NHNN: vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài về tăng trưởng tín dụng năm 2022. Trong đó nêu rõ về việc dư địa tăng tín dụng vẫn còn và sẽ giữ nguyên room 14%.
- NHNN: yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
- Bộ GTVT: có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, với số tiền 14,786 tỉ đồng.
- Bộ GTVT: giải ngân được 34,900 tỷ đồng trong T11.2022, đạt 63.4% so với kế hoạch được bổ sung (69.4% so kế hoạch giao đầu năm).
- Bộ Công thương: vừa có văn bản phản hồi Tổng cục Hải quan liên quan đến việc thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
- Tổng cục Hải quan: tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 T11.2022 đạt 28.4 tỷ USD, giảm 6.3% (tương ứng giảm 1.91 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối T10.2022.
- Bộ Xây dựng: sẽ thanh tra quy hoạch xây dựng tại 3 tỉnh; thanh tra hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng hạ tầng tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại 7 tỉnh, thành trong năm 2023.
- EVN: đề xuất khung giá cho điện gió, mặt trời chuyển tiếp: giá phát với điện mặt trời chuyển tiếp gần 1,188-1,570 đồng một kWh, còn điện gió khoảng 1,591-1,945 đồng, tuỳ loại hình.
- Hà Nội: đang nghiên cứu giải pháp quy hoạch phát triển các khu vực trục không gian sông Hồng, không gian phát triển đô thị hai bên Vành đai 4 và phương án bố trí sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô.
- Pháp mong muốn hỗ trợ Việt Nam các dự án về tài chính xanh, triển khai các hoạt động đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cũng như phát hành trái phiếu xanh trong thời gian tới.
Thế giới
- Biên bản cuộc họp của Fed: Các quan chức Fed nhận thấy tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ dưới mức tiềm năng vào năm 2024 và 2025.
- Quan chức Fed: Nếu dữ liệu lạm phát không hạ nhiệt, Fed có thể tăng lãi suất lên hơn 5%.
- OECD: nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 3.1% vào năm 2022, 2.2% vào năm 2023.
- Mỹ: Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm xuống 3.724% và lợi suất trái phiếu kho bạc 2 năm giảm xuống 4.48% sau khi công bố biên bản cuộc họp của Fed.
- Trung Quốc: sau khi báo cáo ca tử vong đầu tiên sau gần 6 tháng, Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát COVID nghiêm ngặt hơn.
- Trung Quốc: Bắc Kinh sẽ thắt chặt các yêu cầu xét nghiệm Covid từ ngày 24/11, trong đó yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48h với những người muốn vào những nơi công cộng.
- Trung Quốc: các ngân hàng quốc doanh cam kết cung cấp ít nhất 38 tỷ USD tín dụng mới cho nhà phát triển bất động sản.
- EU: các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu vẫn bất đồng về đề xuất của EC liên quan đến trần giá khí đốt.
- ECB: 2 mức tăng lãi suất 50bp và 75bp đều được cân nhắc cho cuộc họp tháng 12, việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục qua tháng 3 nếu cần.
- Eurozone: chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 11 giảm -23.9 điểm, ít hơn so với -26 điểm như dự kiến.
- Đức: PPI tháng 10 giảm -4.2% yoy, đánh dấu mức giảm đầu tiên hàng tháng kể từ tháng 5 năm 2020. Sự sụt giảm này phần lớn là do giá năng lượng giảm -10.4% trong tháng.
- Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada: Nền kinh tế Canada vẫn trong tình trạng cung vượt cầu và quá nóng.
- New Zealand: thông báo tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm phần trăm lên 4.25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2009.
- Nhật Bản: Chỉ số CPI cốt lõi của Tokyo đã tăng 3.6% lên 103.6 điểm vào T11.2022, với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng do chi phí nguyên vật liệu cao và đồng Yên yếu.
- Thái Lan: GDP Q3.2022 tăng 4.5% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ du lịch phục hồi mạnh mẽ.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Thông tin hỗ trợ liên quan room tín dụng, giải ngân khối ngoại và các giải pháp ổn định TPDN.
- Công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 11/2022.
- 29/11, Tỷ lệ thất nghiệp, Doanh thu bán lẻ Nhật Bản; GDP Canada; Chỉ số niềm tin tiêu dùng Hoa Kỳ.
- 30/11, CPI EU; GDP, thay đổi bảng lương phi nông nghiệp và Dự trữ dầu thô Hoa Kỳ; Chỉ số PMI Trung Quốc.
- 1/12, PMI Anh, EU, Canada, Hoa Kỳ; Cuộc họp OPEC; Đơn xin trợ cấp thất nghiệp Hoa Kỳ.
- 2/12, Tỷ lệ thất nghiệp Hoa Kỳ và Canada.
IV. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

Nhận xét: Trong tuần 47, 0 nghìn tỷ đồng giá trị tín phiếu được phát hành, ngoài ra SBV thực hiện mua 29.41 nghìn tỷ đồng giá trị giấy tờ có giá. Tổng kết lại, SBV đã bơm ròng nhẹ 6.38 nghìn tỷ đồng qua OMO.
- Lãi suất giao dịch liên ngân hàng bình quân qua đêm: 5.96%
- Khối lượng giao dịch liên ngân hàng bình quân qua đêm: 246.75 nghìn tỷ VNĐ
