I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Nhiều cổ phiếu BĐS giảm sàn với lệnh dự bán lớn, xuất hiện hiện tượng giải chấp chéo
Đi ngược với diễn biến tích cực thị trường thế giới và hoạt động mua ròng của khối ngoại, VN-Index ghi nhận tuần thứ 2 điểm khi mất -4.2%. Đà giảm diễn ra trên diện rộng với 344/401 cổ phiếu và 18/19 ngành giảm điểm. Các ngành Tài nguyên cơ bản, Xây dựng và vật liệu xây dựng, Dịch vụ tài chính, Hóa chất có mức giảm trên 10% trong khi duy nhất ngành Tiện ích có mức tăng 0.6%. Nhiều cổ phiếu Bất động sản giảm sàn và bị một số CTCK cắt margin có thể đã kéo theo hoạt động giải chấp chéo trên thị trường. Nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đồng loạt giảm trong phiên thị trường tăng điểm cuối tuần. Giải chấp vẫn đang tạo áp lực không nhỏ lên thị trường nhất là khi VN-Index đang giảm về vùng điểm nhạy cảm và thời điểm không có tin hỗ trợ. NĐT do vậy vẫn nên hạn chế và cẩn trọng trong giao dịch chờ các tín hiệu rõ ràng.
Quốc hội thông qua mục tiêu năm 2023 với tăng trưởng GDP 6.5%, GDP bình quân 4,400 USD, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo/GDP khoảng 25.4 – 25.8%, CPI bình quân 4.5%, tốc độ tăng năng suất xã hội bình quân 5-6%… Các chỉ tiêu trên đã được Chính phủ tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá những thuận lợi (đầu tư công có khả năng hồi phục mạnh, lạm phát trong phạm vi an toàn, du lịch và tiêu dùng tiếp tục hồi phục tốt) và thách thức (nguy cơ bùng phát chủng mới, áp lực lạm phát gia tăng, rủi ro thị trường tài chính, hoạt động sản xuất phụ thuộc nước ngoài có thể suy yếu theo đà giảm thế giới). So với kế hoạch 2022, chỉ tiêu GDP bằng ngưỡng trên và lạm phát tăng 0.5%. CPI sẽ có biên tăng lớn hơn hỗ trợ điều hành chủ động, linh hoạt, thích ứng trước áp lực lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như thêm dư địa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

TTCK Thế giới
TTCK Hoa Kỳ bật tăng mạnh trước thông tin lạm phát
Các chỉ số CK Hoa Kỳ đồng loạt tăng từ 3.7% – 7.3% trong phiên giao dịch 10/11 sau khi đón nhận tích cực từ CPI. Chỉ số CPI tháng 10 tăng 0.4% tháng trước và 7.7% cùng kỳ năm trước, thấp hơn 0.2% so với số dự báo. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 0.3% về mức 3.8% và chỉ số USD Index giảm 2.3% mức giảm mạnh nhất từ 2009. Các chỉ số CK khu vực hôm nay cũng tăng giá mạnh trung bình 4.6%, dẫn dầu với
mức tăng 7.7% của HongKong sau khi Trung Quốc giảm bớt thời gian cách ly cho du khách du lịch trong nước và quy định đình chỉ chuyến bay vì Covid. Giá hàng hóa trong tuần cũng có nhiều biến động trong khi giá dầu tiếp tục giảm thì Bạc, Thép và Than đều có mức tăng trên 10%.
Thông tin lạm phát đang giúp cho TTCK Hoa Kỳ tích cực lấn át kết quả bầu cử Quốc hội khi Đảng cộng hòa chiếm ưu thế Hạ viện nhưng chưa thể xác định tại Thượng viện. Thông báo cuối tuần rút ngắn 2 ngày cách ly cho người tiếp xúc ca nhiễm và du khách giảm bớt tiêu cực thông báo trước đó của Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc về cam kết triệt tiêu Covid và đồng thời cảnh báo tình hình có thể trở lên nghiêm trọng và phức tạp hơn khi Trung Quốc vào mùa Đông. Tuyên bố này đã dập tắt tin đồn sớm nới lỏng chính sách zero covid tuần trước. Số ca nhiễm chạm đỉnh 6 tháng, ở mức 8,824 ca ngày 10/11 chưa cho phép Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp kiểm tra hàng loạt, hạn chế đi lại, đóng cửa kéo dài với khu vực lây nhiễm. Kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc tháng 10 giảm 0.3%, giảm lần đầu trong 2 năm khi nhu cầu suy yếu và nguy cơ suy thoái toàn cầu tăng. Chính sách zero covid duy trì sẽ đập tan hy vọng tình hình kinh tế Trung Quốc sớm cải thiện do hoạt động xuất khẩu chậm cải thiện và nhiều hộ gia đình sẽ đẩy mạnh tiết liệm và giảm bớt chi tiêu.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Quốc hội khóa XV: đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6.5%; CPI tăng khoảng 4.5% trong năm 2023 tại kỳ họp thứ 4 chiều 10/11.
- Văn phòng chính phủ: tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
- Chính phủ: đã trả nợ vay trong nước và vay nước ngoài khoảng hơn 240,000 tỷ đồng, bằng 71.8% kế hoạch.
- Bộ Tài chính: lũy kế 10 tháng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1,464.3 nghìn tỷ đồng, bằng 103.7% dự toán, tăng 16.2% svck năm 2021.
- Bộ Tài chính: cho phép doanh nghiệp dùng Quỹ Phát triển KH&CN để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất trong hai năm 2022-2023, thay vì chỉ để nghiên cứu KH&CN.
- Bộ Tài chính: nghị tăng chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tối đa thêm 660 đồng/l, kg tùy theo từng mặt hàng và sẽ áp dụng từ ngày 11-11.
- NHNN: sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng dịp cuối năm.
- NHNN: trong tuần đã bơm ròng 4 phiên liên tục với tổng giá trị gần 20,600 tỷ đồng và không thực hiện bất kỳ giao dịch bán tín phiếu hút tiền nào
- SGDCK Việt Nam: đã đăng ký tham gia làm thành viên chính thức của tổ chức Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán thế giới – WFE thay thế cho Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh.
- Tổng cục Hải quan: 10T2022, XK gạo của Việt Nam đạt 6,085 triệu tấn, trị giá 2,945 triệu USD, tăng 17.4% về lượng và 7.6% về giá trị svck năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10T2022 ước đạt 484 USD/tấn.
- Bộ KH&ĐT: khẳng định chỉ số CPI do Tổng cục Thống kê công bố đã phản ánh xu hướng biến động giá trên thị trường.
- VBMA: luỹ kế trong 9T2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại là 142,209 tỷ đồng, chiếm khoảng 11.8% dư nợ thị trường TPDN cuối năm 2021.
Thế giới
- Mỹ: chỉ số CPI T10.2022 tăng 0.4% so với tháng trước và tăng 7.7% so với cùng kỳ, thấp hơn so với dự báo CPI tăng 0.6% so với tháng trước và 7.9% so với cùng kỳ.
- Bầu cử giữa nhiệm kỳ của Hoa Kỳ: Đảng Cộng hòa giành được ba ghế Hạ viện do đảng Dân chủ nắm giữ trước đó trong 435 cuộc đua, 371 ghế chưa được công bố.
- FXT: cận kề phá sản, nhà sáng lập mất 94% tài sản trong một ngày sau tin tức Binance từ chối giải cứu FTX. Đồng thời giám đốc điều hành của sàn đang phải đối mặt với cuộc điều tra của SEC.
- Trung Quốc: UBYT Quốc gia khẳng đinh lại cam kết triệt tiêu COVID-19 đồng thời cảnh báo “tình hình có thể trở nên nghiêm trọng và phức tạp hơn” khi Trung Quốc bước vào mùa đông.
- Trung Quốc: tổng kim ngạch XNK hàng hóa trong 10 tháng đầu năm nay tăng 9.5% svck năm ngoái.
- Trung Quốc: PPI giảm 1.3% trong tháng 10 so với mức giảm 1.6% như dự kiến. CPI tăng 2.1%, trong khi lạm phát cơ bản không đổi ở mức 0.6%.
- Trung Quốc: định giá các ngân hàng quốc doanh giảm sát mức thấp kỷ lục do tâm lý bi quan của giới đầu tư đối với lĩnh vực ngân hàng.
- EC: giải ngân gói hỗ trợ lần thứ 2, trị giá 21 tỷ euro cho Italy, từ Quỹ phục hồi hậu đại dịch NextGenerationEU.
- Nhật Bản: giá sản xuất đã tăng 9.1% so với cùng kỳ năm ngoái vàoT10.2022, chậm lại so với mức tăng 10.2% đã được điều chỉnh tăng của tháng 9.
- Nhật Bản: Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trong nửa đầu năm tài khóa 2022 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014.
- BoJ: Nhật Bản sẽ duy trì chính sách tiền tệ phù hợp để đạt được lạm phát bền vững và ổn định ở mức 2%, đồng thời đạt được mức tăng trưởng tiền lương.
- Australia: Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 3 năm giảm 7.3 điểm cơ bản xuống 3.44% trong giao dịch đầu giờ tại Sydney.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Quốc hội bế mạc vào 18/11.
- Hoạt động bán giải chấp và giải chấp chéo tại một số công ty niêm yết.
- 14/11, Chỉ số sản xuất công nghiệp EU; Báo cáo chính sách tiền tệ ECB; FDI Trung Quốc.
- 15/11, GDP Nhật Bản; Biên bản chính sách tiền tệ Australia; Doanh thu bán lẻ, chỉ số sản xuất công nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp Trung Quốc; GDP EU; Chỉ số sản xuất công nghiệp Hoa Kỳ; G20 họp từ 15-16/11.
- 16/11, CPI Anh và Canada; Doanh thu bán lẻ Hoa Kỳ.
- 17/11, Tỷ lệ thất nghiệp Australia; CPI lần cuối EU; Tỷ lệ thất nghiệp Hoa Kỳ.
- 18/11, Doanh thu nhà qua sử dụng Hoa Kỳ.