I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Ngành BĐS tiếp tục tiêu cực, nhiều cổ phiếu có dấu hiệu bị giải chấp
VN-Index quay đầu giảm điểm 2.9% sau một tuần hồi phục qua đó mất luôn ngưỡng tâm lý 1,000 điểm. Khối ngoại bán ròng và hoạt động giải chấp tại một số cổ phiếu Bất động sản đã có phản ứng dây chuyền tiêu cực lên thị trường. Cùng với đó, diễn biến căng thẳng về thanh khoản và cuộc đua lãi suất của một số Ngân hàng cũng đã tác động bất lợi lên thị trường trong bối cảnh thanh khoản thị trường chứng khoán xuống thấp chờ thông tin. Thị trường giảm điểm trên diện rộng với 19/19 ngành giảm. 1 số ngành giảm mạnh trên 9% gồm Bán lẻ, Viễn thông, Tài nguyên cơ bản. Mùa công bố KQKD cơ bản hoàn thành và thị trường sẽ không còn thông tin hỗ trợ trong khi VN-Index đang quay trở lại vùng điểm nhạy cảm và khó lường. NĐT nên tiếp tục theo dõi, cẩn trọng trong giao dịch chờ các tín hiệu rõ ràng trước khi mở lại vị thế.
Mùa công bố KQKD quý III cơ bản hoàn thành với phần lớn các Công ty lớn đã công bố báo cáo tài chính. 91% cổ phiếu niêm yết trên HSX và HNX có KQKD quý III tăng trưởng 11.6% so cùng kỳ. 57% số công ty ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương, 15% số công ty công bố thua lỗ. 30/30 cổ phiếu VN30 công bố lợi nhuận tăng trưởng 12% trong khi 19/19 Ngân hàng tăng trưởng 55.2% cùng kỳ. Ngành Ngân hàng đóng góp 90% LNST tăng thêm của toàn thị trường so cùng kỳ, qua đó là động lực tăng trưởng chính trong quý III. Ở chiều ngược lại, ngành Thép, Chứng khoán và Tiêu dùng (VNM, MSN) lại kéo lùi tăng trưởng chung. Với KQKD quý III tăng trưởng 11.6% và nền giá giảm sâu chỉ số P/E và P/B của VN-Index về mức thấp mới lần lượt 10.2 và 1.5 lần

TTCK Thế giới
TTCK Hoa Kỳ giảm điểm trước quan điểm cứng rắn của chủ tịch FED
Sau những phiên hồi phục tốt TTCK giảm lại trung bình 2% trước quan điểm của chủ tịch FED ngay sau cuộc họp chính sách tháng 11. Diễn biến này đi ngược với động thái hồi phục của các thị trường phát triển và các nước khu vực. TTCK Trung Quốc dẫn đầu đà tăng trong khu vực khi ghi nhận mức tăng 5.3% nhờ kỳ vọng mở cửa sớm nền kinh tế. Chỉ số hàng hóa Bcom tăng 3.4%, đóng góp chủ yếu từ sự phục hồi mạnh của giá gas tự nhiên và giá dầu. Sau 1 tuần giảm, USD Index tăng 1.6% nhờ thông tin FED tăng lãi suất thêm 0.75%. Trong tuần tới, cuộc bầu cử quốc hội Hoa Kỳ sẽ diễn ra. Hiện tại Đảng dân chủ của đương kim tổng thống đang nắm giữ 2 viện quốc hội. Kết quả bầu cử sẽ phát đi tín hiệu về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Hoa Kỳ ít nhất trong 2 năm tới.
FED nâng lãi suất 0.75% lần thứ 4 liên tiếp lên mức 3.75 – 4% và báo hiệu có thể thay đổi nhịp độ nâng lãi suất trong tương lai. Fed đánh giá chi tiêu và sản xuất của Mỹ chỉ tăng trưởng “khiêm tốn”, đồng thời lưu ý rằng “thị trường việc làm đã tăng trưởng mạnh trong vài tháng gần đây” trong khi lạm phát vẫn rất cao. Fed cho biết “sẽ cực kỳ chú ý tới rủi ro lạm phát” và vẫn cho rằng việc tăng lãi suất sẽ là hợp lý sao cho lãi suất lên mức đủ để kéo lạm phát về mức 2% theo thời gian. Sau đó, bài phát biểu của chủ tịch FED đã “dội gáo nước lạnh” vào kỳ vọng của thị trường về sự giảm tốc của lãi suất. Ông Powell bác bỏ ý tưởng FED có thể sớm dừng tăng lãi suất dù FED có thể bàn tăng lãi suất chậm trong 1-2 cuộc họp tới. Chủ tịch FED cũng cho biết đỉnh lãi suất trong chu kỳ thắt chặt này sẽ cao hơn nhiều so với dự tính hồi tháng 9 và điều này thu hẹp cánh cửa cho một cuộc “hạ cánh mềm”.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Quốc hội: Chiều 31/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình chủ trì lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
- Chính phủ: Trình Quốc hội dự án Luật đất đai sửa đổi. Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.
- Chính phủ: Ban hành Nghị định số 91 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020 v/v doanh nghiệp phải nộp 80% thuế TNDN của năm 2022, thời hạn cuối cùng là ngày 30/01/2023
- Chính phủ: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 1039 về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
- NHNN: Có văn bản số 7509 cảnh báo phòng ngừa, phát hiện các hành vi, thủ đoạn có dấu hiệu rủi ro về rửa tiền của các tài khoản do đối tượng người nước ngoài mở tại hệ thống các ngân hàng Việt Nam.
- NHNN: Tính đến cuối T10.2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11.5% so với cuối năm 2021.
- Thống đốc NHNN: Chính sách tiền tệ hướng tới ưu tiên cấp tín dụng khoản vay nhà ở phân khúc thấp.
- Tổng cục Thống kê: 10T2022 thu NSNN ước đạt 1,464.3 nghìn tỷ đồng, bằng 103.7% dự toán (trong đó, NSTW ước đạt 103.6% dự toán; NSĐP ước đạt 103.8% dự toán), tăng 16.2% svck năm 2021.
- Tổng cục Hải quan: tổng trị giá XNK của cả nước trong 10T2022 ước tính đạt 616.24 tỷ USD, tăng 14.1%, tương ứng tăng 75.94 tỷ USD về số tuyệt đối svck năm 2021.
- Bộ KH&ĐT: Tiến độ giải ngân vốn ĐTC tháng 10 tiếp tục có chuyển biến, tiến độ giải ngân tháng 10 đạt 44.626 tỉ đồng.
- Bộ Công thương: Chính thức có văn bản giao sản lượng xăng dầu cho 33 doanh nghiệp đầu mối, trong đó Petrolimex nhiều nhất với trên 2.1 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Thế giới
- FED: thông báo tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp ở mức 0,75 điểm %, cho rằng vẫn cần tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, đồng thời cũng để ngỏ khả năng giảm mức tăng lãi suất trong những lần tới.
- BoE: Quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, là mức tăng mạnh nhất kể từ 1989. Với mức tăng này, lãi suất cơ bản của Anh đạt 3%.
- Mỹ: Số lượng vị trí tuyển dụng ở Hoa Kỳ tăng 437,000 người lên con số 10.72 triệu vào T9.2022, gần ngưỡng cao kỷ lục kể từ cuối 2021, cao hơn mức kỳ vọng của thị trường.
- Mỹ: Chỉ số PMI Sản xuất ISM giảm xuống 50.2 vào T10.2022 từ mức 50.9 của T9, chạm mức tăng trưởng thấp nhất từ giữa 2020.
- Trung Quốc: Phong tỏa một nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn, việc này đã ảnh hưởng đến hơn 10% năng lực sản xuất iPhone toàn cầu.
- Trung Quốc: Chỉ số PMI giảm xuống 49.2 vào T.2022, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 7, thấp hơn mức 50.0 theo kỳ vọng thị trường.
- Eurozone: Lạm phát vượt mức 10% trong T10.2022 lên 10.7% svck, ngưỡng cao kỷ lục kể từ khi Eurozone được thành lập.
- Anh: Chi phí thực phẩm tươi sống T10.2022 tăng 13.3% yoy, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2005.
- Anh: Giá nhà tại Anh đã giảm lần đầu tiên sau 15 tháng khi thị trường bất động sản nước này bắt đầu cảm nhận được những tác động của việc triển vọng kinh tế đang xấu đi.
- Thụy Sĩ : Ngân hàng Quốc gia báo cáo khoản lỗ 142.4 tỷ franc (khoảng 143 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm do bất ổn trên thị trường tiền tệ toàn cầu.
- Úc: Ngân hàng Dự trữ Úc đã tăng tỷ giá tiền mặt thêm 25 bps lên 2.85% trong cuộc họp T11.2022, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ bảy liên tiếp.
- Nga: Bộ Kinh tế Nga thông báo nền kinh tế nước này trong tháng 9 suy giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh hơn mức 4% được ghi nhận một tháng trước đó.
- Singapore: PMI đã tăng lên 57.7 vào T10.2022 từ mức 57.5 vào T9.2022, tăng với tốc độ nhanh nhất trong 3 tháng.
- Hàn Quốc: xuất khẩu giảm 5.7% yoy xuống 52.,48 tỷ USD vào T10.2022, mức giảm lớn nhất kể từ T8.2022, đánh dấu tháng thâm hụt thương mại thứ bảy liên tiếp.
- Nhật Bản: Bộ Tài chính cho biết đã chi 42.8 tỷ USD vào việc can thiệp tiền tệ vào tháng 10 để nâng đỡ đồng yên.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Công bố KQKD quý III của các Doanh nghiệp niêm yết.
- Hoạt động bán giải chấp của một số công ty niêm yết.
- 7/11, Cán cân thương mại Trung Quốc; Chỉ số công nghiệp Đức.
- 8/11, Doanh thu bán lẻ Anh, EU; Bầu cử Quốc hội Hoa Kỳ giữa nhiệm kỳ.
- 9/11, CPI Trung Quốc; Dự trữ dầu thô Hoa Kỳ.
- 10/11, Cung tiền M2 và các khoản vay mới Trung Quốc; CPI và đơn xin trợ cấp thất nghiệp Hoa Kỳ.
- 11/11, Chỉ số sản xuất công nghiệp, cán cân thương mại và GDP Anh; Chỉ số niềm tin tiêu dùng Hoa Kỳ.