I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Thị trường bật tăng sau khi NHNN công bố tăng lãi suất
Biến động mạnh trong tuần, VN-Index vẫn kịp tăng 0.7% qua đó lấy lại ngưỡng tâm lý 1,000 điểm. Thị trường đã chiết khấu mạnh với các tin tiêu cực do vậy khi NHNN công bố tăng lãi suất điều hành thêm 1% thì VN-Index lại có vận động hồi phục. Thị trường tăng điểm nhưng mức độ lan tỏa không cao không cao với chỉ 7/19 ngành tăng điểm. Các ngành ngân hàng và bảo hiểm có mức tăng trên 6% trong khi Dầu khí, Xây
dựng và vật liệu và BĐS có mức giảm từ 4%-6.5%. Nhìn chung thị trường đang dần ổn định và có sự phân hóa trong nhịp hồi phục. Ngành BĐS và ngành liên quan vẫn đang chịu tác động tiêu cực từ thông tin trái phiếu Doanh nghiệp đã phát hành. Rủi ro thị trường giảm bớt dù vậy khả năng phục hồi đủ dài cho hoạt động trading còn bỏ ngỏ do vậy NĐT vẫn cần thận trọng tránh mua đuổi cũng như mua thăm dò với tỷ trọng lớn.
Tính đến 28/10, 437 cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 57% cổ phiếu niêm yết trên HSX và HNX) đã công bố KQKD quý III. Mức tăng trưởng LNST đang tăng trên 31% cùng về -0.2% chủ yếu do HPG có mức giảm LN lớn -12,137 tỷ so cùng kỳ. 57% số công ty ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương, 16% số công ty công bố lỗ. 10/30 cổ phiếu VN30 công bố lợi nhuận giảm -7.5% cùng kỳ (tăng 37% nếu không gồm HPG) trong khi 11/19 Ngân hàng có mức tăng trưởng nổi bật 47.4% (các NH đều lãi và tăng trưởng dương ngoại trừ NVB). KQKD quý III ghi nhận tăng trưởng chủ yếu từ VHM, DGC và ngân hàng trong khi HPG và khối CTCK kéo giảm lợi nhuận chung. Vẫn còn nhiều một số Công ty và Ngân hàng lớn chưa công bố KQKD tuy nhiên mức tăng trưởng thị chung khó có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 20% như dự báo.

TTCK Thế giới
TTCK Hoa Kỳ và TTCK tương phản tuần qua dù cùng có mức tăng trưởng GDP quý III vượt kỳ vọng
GDP Hoa Kỳ tăng trưởng 2.6% trong quý III nhờ giảm bớt thâm hụt thương mại và sự chuyển dịch từ chi tiêu hàng hóa sang chi tiêu dịch vụ. Thông tin này hỗ trợ đà hồi phục của các chỉ số CK Hoa Kỳ, đặc biệt chỉ số Dow Jones ghi nhận 5 phiên tăng điểm liên tiếp. Chỉ số Nasdaq phân hóa mạnh với những phiên tăng giảm xen kẽ trước KQKD yếu kém của một số công ty công nghệ chủ chốt. Ngược lại với Hoa Kỳ, TTCK Trung Quốc, HongKong liên tiếp có những phiên giảm mạnh ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 20 trước tâm lý lo ngại chính sách thắt chặt hơn với doanh nghiệp tư nhân, chính sách zero covid cùng với hoạt động rút vốn của khối ngoại. Cùng với đà hồi phục của dầu, nhiều mặt hàng kim loại cũng tăng tốt. Tuần tới, Thị trường sẽ đón nhận thông tin từ cuộc họp FED với dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng 0.75%.
GDP quý III Trung Quốc tăng 3.9% cao hơn mức tăng 0.4% quý II và hơn 0.5% so với dự báo. Doanh thu bán lẻ tháng 9 tăng 2.5%, tỷ lệ thất nghiệp tăng 5.5% trong khi chỉ số sản lượng công nghiệp tăng 6.3%. Chính sách zero covid ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu tăng trưởng 5% năm 2022, GDP Trung Quốc tăng 3% trong 9 tháng đầu năm. Chỉ số PMI EU giảm từ 48.1 tháng 9 xuống 47.1 điểm tháng 10 trong khi lạm phát tháng 9 duy trì ở mức cao gần 10%. S&P Global cho rằng suy thoái ở Eurozone ngày càng khó tránh. Đây cũng là quan điểm IMF trong báo cáo 23/10, triển vọng EU trở nên u ám hơn rất nhiều, Đức và Italy sẽ trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên tăng trưởng âm và rơi vào suy thoái trong năm 2023. Tăng trưởng khối EU giảm mạnh xuống 0.6% năm 2023. Kỳ họp tháng 10, ECB tăng lãi suất lần 3 thứ liên liếp thêm 0.75% và giảm bớt hỗ trợ Ngân hàng Châu Âu, tiếp tục gây sức ép tăng trưởng EU.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Quốc hội: Ngày 27/10, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
- Chính phủ: Trình Quốc hội về dự toán NSNN và phân bổ NSTW năm 2023. Trong đó, năm 2023 dự toán chi đầu tư phát triển gần 730,000 tỷ đồng, tăng hơn 38%.
- Phó Thủ tướng Chính phủ ký Nghị quyết số 138 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2050, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 27,000-32,000 USD.
- Bộ Tài chính: dự báo về 2 kịch bản hưởng đến CPI cuối năm. Giá thịt lợn tăng 10 – 15%, giá gạo tăng 5 – 10% và tác động thiên tai cuối năm sẽ ảnh hưởng 0.05 – 0.1% đến CPI cuối năm.
- Bộ Tài chính: Giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến 31/10/2022 là trên 297,774 tỷ đồng, đạt 46.44% kế hoạch và đạt 51.34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
- Bộ Tài chính: Tổng số tiền giãn, giảm thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là rất lớn, lên tới 233,000 tỷ đồng.
- NHNN: Quyết định số 1809 v/v tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5.0%/năm lên 6.0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3.5%/năm lên 4.5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm từ 6.0%/năm lên 7.0%/năm.
- NHNN: Sáng 24/10, giá bán USD tại SGD tăng từ 24,380 VND/USD lên 24,870 VND/USD, tức tăng 490 đồng. Đây là lần thứ 6 trong năm 2022 NHNN thực hiện nâng giá bán USD.
- NHNN: lượng kiều hối về TP.HCM đạt hơn 4,78 tỷ USD trong 9T2022.
- NHNN: Trong phiên giao dịch ngày 26/10, hút về gần 30,000 tỷ đồng từ 11 trong tổng số 11 ngân hàng tham gia đấu thầu tín phiếu, với lãi suất ổn định ở mức 6%/năm.
- Tổng cục Hải quan: Chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi thông quan hàng hóa cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu theo đúng quy định pháp luật.
- Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 48.947 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 73.253 đơn vị. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 150.167 tỷ đồng và 63.200 ha đất.
- Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam: đề nghị chi Quỹ bình ổn, bù trực tiếp vào chênh lệch của premium NK để bằng với giá trong nước khi dự báo trong Q4 các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn lỗ hơn 1,000 đồng/lít.
Thế giới
- Mỹ: GDP tăng trưởng 2.6% trong quý 3.2022, ảnh hưởng bởi đà tăng của chi tiêu tiêu dùng, các khoản đầu tư cố định ngoài nhà ở và chi tiêu Chính phủ.
- Mỹ: Chỉ số PMI tổng hợp của S&P Global đã giảm xuống 47.3 trong T10.2022, giảm 2.2 điểm svck tháng trước.
- Mỹ: Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board T10.2022 giảm xuống 102.5 từ mức 107.8 vào T9, thấp hơn số liệu kỳ vọng.
- Mỹ: Thâm hụt thương mại hàng hóa T9.2022 tăng 5.7% lên 92.2 tỷ USD, với xuất khẩu hàng hóa giảm 1.5% xuống 177.6 tỷ USD và nhập khẩu tăng 0.8% lên 269.8 tỷ USD.
- Mỹ: Lãi suất hợp đồng trung bình cho một khoản thế chấp (lãi suất cố định 30 năm, số dư cho vay dưới 647.200 USD) tăng 22 điểm phần trăm lên 7.16% trong tuần 21/10, mức cao nhất kể từ năm 2001.
- Eurozone: Chỉ số PMI tổng hợp của S&P Global đã giảm xuống 47.1 vào T10. 2022, mức thấp nhất kể từ T11.2020, giảm từ mức 48.1 của tháng trước.
- ECB: chính thức nâng lãi suất từ 0.75% lên 1.5%, đánh dấu 3 đợt nâng lãi suất liên tiếp; thay đổi điều khoản và điều kiện của nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn có mục tiêu (TLTRO)
- Úc: Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng lên 7.3% trong Q3.2022, mức cao nhất kể từ Q2.1990.
- Nga: Kỳ vọng lạm phát năm 2023 của các hộ gia đình Nga T10.2022 tăng lên 12.8% từ 12.5% trong T9.
- Canada: NHTW tăng lãi suất qua đêm thêm 50 điểm phần trăm lên 3.75%, dưới mức kỳ vọng.
- Úc: Chỉ số giá sản xuất nối dài Q3.2022 nối dài đà tăng của quý 2, tăng 1,9% QoQ.
- Trung Quốc: GDP Q3.2022 tăng trưởng 3.9% svck, cao hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. 9T.2022, GDP tăng 3%, thấp hơn mục tiêu 5.5%.
- Nhật: Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi T10.2022 tăng 3.4% YoY lên 103.2 điểm, đánh dấu mức đỉnh 33 năm.
- Nhật: Gói chi tiêu kinh tế tổng trị giá khoảng 26 nghìn tỷ yên (174 tỷ USD) dự kiến sẽ được thông qua vào 28/10 nhằm giảm bớt tác động từ việc chi phí sinh hoạt tăng lên.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Công bố KQKD quý III của các Doanh nghiệp niêm yết.
- Công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 10.
- 31/10, PMI Trung Quốc; Doanh thu bán lẻ, niềm tin tiêu dùng Nhật; CPI và GDP công bố lần đầu EU.
- 1/11, Lãi suất và biên bản tiền tệ Australia; PMI EU, Hoa Kỳ.
- 2/11, Biên bản chính sách tiền tệ Nhật; Thay đổi bảng lương phi nông nghiệp và dự trữ dầu thô Hoa Kỳ.
- 3/11, Lãi suất và biên bản FOMC; Lãi suất và Báo cáo chính sách tiền tệ BOE.
- 4/11, Tỷ lệ thất nghiệp Canada; Tỷ lệ thất nghiệp Hoa Kỳ.
- 5/11, Cuộc họp OPEC.