I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Kết thúc chuỗi 5 tuần giảm điểm, VN-Index hồi phục khi giảm về 1,000 điểm
VN-Index tăng 2.5%, kết thúc chuỗi chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp. Hoạt động bắt đáy gia tăng, khối ngoại mua ròng đã giúp chỉ số hồi phục sau khi giảm về vùng giá 1,000 điểm. 15/19 ngành tăng điểm với 3 ngành có mức tăng trên 4%. Ngành tiện ích giữ giá trong thời gian giảm lại là ngành có mức tăng tốt 4.8%, theo sau là 2 ngành Dầu khí và Ngân hàng với mức tăng lần lượt 4.3% và 4.2%. Thị trường đang có những phiên tích cực và có cơ hội trở lại vùng 1,100 điểm. Ngoài thông tin tích cực về định giá thấp, và mùa công bố KQKD quý III, diễn biến phức tạp tỷ giá, lãi suất, thanh khoản vẫn chưa ủng hộ cho một đợt tăng điểm bền vững. Do vậy, chúng tôi cho rằng NĐT vẫn cần cẩn trọng tránh mua đuổi, tranh thủ nhịp hồi phục mạnh bán chốt lãi hoặc giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn nhằm chủ động trong mọi tình huống.
Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ tư dự kiến tổ chức từ 20/10 đến 18/11/2022. Bên cạnh các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công 2022 và dự toán ngân sách TW 2023, Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 07 dự án Luật và 3 nghị quyết. Quốc hội cũng cho ý kiến 07 dự án luật, trong đó lưu ý là Luật đất đai sửa đổi. Theo kế hoạch Quốc hội sẽ cho ý kiến trong kỳ họp thứ 4, lấy ý kiến nhân dân tháng 1/2023, cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Nội dung luật sửa đổi lần này đang có nhiều điểm đổi mới hoàn thiện quy định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bỏ khung giá thay bằng bảng giá đất, quy định rõ ràng giao đất cho thuê qua đấu giá đấu thầu dự án, quyền chuyển nhượng thế chấp, thu hồi đất, đăng ký cấp sổ đỏ. Đây là nội dung đã thu hút người dân trong suốt thời gian qua.

TTCK Thế giới
Bỏ qua thông tin lạm phát, TTCK Hoa Kỳ bật tăng mạnh chấm dứt chuỗi phiên ảm đạm
Các chỉ số CK Hoa Kỳ bật tăng trung bình trên 2.5% kết thúc chuỗi phiên giảm điểm sau báo cáo lạm phát. CPI tháng 9 tăng 0.4%, cao hơn dự báo 0.3% nhưng cũng kéo CPI 12 tháng từ 9% tháng 6 xuống 8.2%. Lạm phát cao và dai dẳng là lý do khiến TTCK Hoa Kỳ giảm điểm trước đây lại là yếu tố giúp thị trường bật tăng nhờ hoạt động mua lại sau bán khống. TTCK các nước phát triển cũng thu hẹp đà giảm ngoại trừ Đức và Pháp vẫn giữ mức tăng trên 1%. Trong khu vực, TTCK Việt nam và Trung tăng điểm trở lại trong khi các thị trường khác đều giảm từ 1-3%. Sau khi tăng mạnh tuần trước, chỉ số hàng hóa Bcom giảm 1.4%, chủ yếu từ giá dầu và các kim loại quý. USD Index không đổi nhưng tiếp tục tăng giá so với JPY và nội tệ các nước khu vực mới nổi. Lạm phát cao liên tục và FED quyết liệt hơn trong tăng lãi suất, TTCK Hoa Kỳ sẽ còn có nhiều biến động khó lường trong tuần tới.
Biên bản cuộc họp FOMC nhấn mạnh về mối lo ngại về lạm phát leo thang, qua đó cũng nhấn mạnh lộ trình nâng lãi suất bất chấp những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Với thông điệp này, thị trường đang nhìn nhận FED sẽ tăng tiếp 0.75% trong cuộc họp vào 1-2/11 sắp tới sau khi đã nâng lãi suất từ 0% lên mức 3% – 3.23% trong 5 lần tăng lãi suất trước đó. Báo cáo tháng 10 ra ngày 11/10 của IMF giữ nguyên mức tăng trưởng thế giới ở mức 3.2% năm 2022 và hạ dự báo tăng trưởng từ 2.9% (tháng 7) xuống 2.7% do đà tăng trưởng suy yếu tại các nước Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc. Trước đó 1 ngày, Tổng giám đốc IMF cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể rơi suy thoái 2023, theo đó 1/3 nền kinh tế rơi vào suy thoái trong quý cuối 2022 và quý đầu 2023. Theo sau các chuyên gia và tổ chức tài chính tư nhân, các tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra dự báo suy giảm kinh tế thế giới trong vòng 6 tháng tới.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- UBTV Quốc hội: Đề xuất thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ôtô thông qua đấu giá.
- Chính phủ: ban hành Nghị quyết 130 yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng đầu cơ, hoạt động không đúng quy định, thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ.
- Chính phủ: dự kiến tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6.5% do kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức.
- Bộ Tài chính: nâng chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, cụ thể, chi phí định mức đối với một lít xăng A92 từ 975 đồng đã được tăng thêm 350 đồng lên thành 1,320 đồng.
- Bộ Tài chính: dự báo CPI bình quân năm 2022 sẽ tăng trong khoảng 3.27-3.51%.
- NHNN: cung tiền ra thị trường LS trên thị trường liên ngân hàng 12/10 giảm từ 0.04 – 0.3%/năm so vớingày trước đó; LS kỳ hạn qua đêm xuống còn 6,62%/năm; mức cao nhất 8%/năm chỉ còn xuất hiện ở mỗi kỳ hạn 1 năm.
- Thống đốc NHNN: Những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có ngân hàng SCB, đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp.
- Tổng cục Thuế: Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra 9T.2022 là 42,917 tỷ đồng, tăng 32% svck. Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 9,852 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1,468 tỷ đồng; giảm lỗ là 31,597 tỷ đồng.
Thế giới
- Mỹ: Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi T9.2022 tăng 0.6% so với tháng trước, cao hơn ước tính tăng 0.4% của Dow Jones. Lạm phát lõi tăng 6.6% svck năm trước, mức cao nhất trong 40 năm.
- Mỹ: Sau thông tin lạm phát, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm vượt 4%, mức cao nhất trong hơn 14 năm; giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 bps tại cuộc họp T11.2022.
- Mỹ: Chỉ số giá sản xuất PPI T9.2022 tăng 0.4% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0.2%. Xét trong giai đoạn 12 tháng, PPI tăng 8.5% trong tháng 9, thấp hơn mức 8.7% của T8.2022.
- Trung Quốc: Khoản cho vay ngân hàng mới vào T9.2022 đã lên mốc 2.47 nghìn tỷ nhân dân tệ (344.58 tỷ USD), tăng gần gấp đôi so với tháng trước và vượt xa con số kỳ vọng.
- Trung Quốc: Tiếp tục phong tỏa diện rộng ở TP Phần Dương, tỉnh Sơn Tây bắt đầu từ ngày 10/10.
- Trung Quốc: Chính quyền các địa phương đang thu mua hàng nghìn căn hộ mới như một nỗ lực giải phóng sức ép cho thị trường bất động sản cũng như các nhà đầu tư.
- Anh: NHTW BoE tăng lượng mua trái phiếu hàng ngày lên tối đa 10 tỷ bảng Anh từ mức 5 tỷ bảng Anh trước đó, hiện tại đã mua khoản nợ 853 triệu bảng.
- Anh: BoE triển khai Cơ chế repo có TSBĐ tạm thời (TECRF), giúp các ngân hàng giảm bớt áp lực thanh khoản cho các khách hàng, đặc biệt là các Quỹ LDI bằng việc dùng TPCP để đổi lấy tiền mặt từ NHTW.
- Anh: Tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974 ở mức 3.5%, thấp hơn mức dự báo trung bình là 3.6%.
- Đức: Tỷ lệ lạm phát T9.2022 đạt 10%, mức cao mới kể từ năm 1990, cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng với giá Năng lượng +43.9% so với mức 35.6% tháng 8.
- Eurostat: Sản xuất công nghiệp tại 19 quốc gia Eurozone T8.2022 tăng 1.5% svck tháng trước, tăng 2.5% svck năm trước, cao hơn mức kỳ vọng ban đầu.
- IMF: hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống 2.7% do các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV dự kiến tổ chức từ 20/10 đến 18/11/2022.
- 17/10, Báo cáo khảo sát triển vọng kinh doanh của NHTW Canada; chỉ số sản xuất NewYork.
- 18/10, Biên bản chính sách tiền tệ Australia; GDP quý III, Doanh thu bán lẻ, chỉ số sản xuất công nghiệp và thất nghiệp Trung Quốc.
- 19/10, CPI Anh, Canada và Châu Âu; Dự trữ dầu thô Hoa Kỳ.
- 20/10, PMI Anh, Châu Âu; Đơn xin trợ cấp thất nghiệp và doanh thu bán nhà qua sử dụng Hoa Kỳ.
- 21/10, Doanh thu bán lẻ Anh và Canada.
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

