I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Lực cầu suy yếu, VN-Index không thể duy trì ngưỡng tâm lý 1,300 điểm
VN-Index có tuần điều chỉnh nhẹ sau 3 tuần tăng điểm với mức giảm -0.3%. Ngược chiều với diễn biến tuần trước thị trường ghi nhận 11/19 ngành tăng điểm và 220 cổ phiếu giảm so với 170 cổ phiếu tăng điểm. Dòng tiền tiếp tục luân chuyển nhẹ qua các ngành Hóa chất (+3.1%), Ô tô và phụ tùng (+2.1%), Dầu khí (+1.2%). Khối ngoại tiếp tục mua ròng (chủ yếu từ ETF Diamond và Fubon) vẫn đang là lực đẩy chính cho thị
trường trong ngắn hạn. VN-Index giảm trở lại dưới ngưỡng tâm lý 1,300 điểm trong khi các ETFs cơ cấu và HĐTL VN30F2206 đáo hạn sẽ khiến diễn biến tuần tới tiềm ẩn biến động phức tạp và khó lường.
Về quá trình đánh giá của 02 ETF ngoại: ngày 03/06/2022 FTSE đã công bố danh mục cổ phiếu thuộc bộ chỉ số FTSE Vietnam Index theo đó APH là cổ phiếu bị loại và không thêm mới cổ phiếu nào. Ngày 10/06/2022, MVIS cũng đã công bố danh mục các cổ phiếu thuộc bộ chỉ số MVIS Vietnam Index theo đó MVIS thêm mới 02 cổ phiếu là: SHB và VCG và loại bỏ cổ phiếu ORS. Như vậy MVIS Vietnam Index đã có 45/59 cổ phiếu Việt Nam – bổ sung thêm 01 cổ phiếu so với kỳ đánh giá trước đó. 02 Quỹ ETF VNM và FTSE Vietnam sẽ hoàn thành việc cơ cấu danh mục vào ngày 17/06/2022.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước và khối ngoại giảm đáng kể giá trị mua ròng trong tuần từ 6-10/6 nhưng cũng phần nào đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đơ thị trường chung, trong khi đó, các cổ chức trong nước vẫn duy trì trạng thái bán ròng.
Theo thống kê của FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp trên HoSE nhưng giá trị giảm mạnh 81% so với tuần trước và đạt 159 tỷ đồng, trong đó có 66,4 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
Khối ngoại vẫn duy trì được sự tích cực khi tiếp tục mua ròng 757 tỷ đồng (giảm 62% so với tuần trước), tương ứng khối lượng mua ròng là 19 triệu cổ phiếu.
Trái ngược với hai dòng vốn kể trên, nhà đầu tư tổ chức trong nước có tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp và ở mức 916 tỷ đồng (giảm 67% so với tuần trước). Trong đó, các tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) bán ròng 332 tỷ đồng (giảm 89% so với tuần trước). Nếu tính theo phương thức khớp lệnh dòng vốn này bán ròng 452 tỷ đồng.
Khối tự doanh giao dịch tiêu cực trở lại khi bán ròng 584 tỷ đồng ở sàn HoSE, trong đó có 214 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.

TTCK Thế giới
TTCK các nước phát triển quay đầu giảm điểm trước triển vọng lạm phát
Với tâm lý chờ đợi báo cáo lạm phát tháng 5, các thị trường CK Hoa Kỳ quay đầu giảm bình quân 3%. Các TTCK Châu Âu cũng có mức giảm trên 3% khi ECB xác nhận kế hoạch nâng lãi suất tháng 7 và tăng một lần nữa vào tháng 9 đồng thời nâng dự báo lạm phát lên 6.8% từ 5.1%. Ngoại trừ Trung Quốc tăng 2.8%, các TTCK khu vực đều có mức giảm bình quân 1.5%. Giá dầu thô và gas vẫn là động lực chính đẩy chỉ chỉ số hàng hóa Bcom Index tăng 2.1% trong tuần. Sau khi đi ngang tuần trước, USD lấy lại đà tăng 1.3%, mức tăng chủ yếu với JPY và EUR và đặc biệt tăng 22.5% so với RUB qua đó ghi nhận mức tăng 60% trong 3 tháng gần nhất. Sau một loạt các biện pháp thu hẹp chính sách tiền tệ, thị trường đang chờ đợi báo cáo lạm phát tháng 5 tích cực và thông tin này sẽ tác động mạnh đến các thị trường trong tuần tới.
Kim ngạch nhập khẩu Hoa Kỳ giảm 3.4% lần đầu kể từ tháng 7/2021 trong tháng 4 khu nhu cầu hàng hóa và nguyên vật liệu nước ngoài suy yếu. Đà giảm đánh dấu sự đảo chiều do trước đó doanh nghiệp đẩy mạnh dự trữ tồn kho tránh gián đoạn chuỗi cung ứng trong khi người tiêu dùng nước này chuyển chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ và du lịch. Trước đó, Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ thừa nhận tình trạng lạm phát sẽ không phải “tạm thời” mà còn kéo dài và ở mức cao trái ngược với suy nghĩ trước đây khi cho rằng lạm phát chỉ tạm thời. Nguy cơ tăng trưởng chậm cũng được WB công bố tại báo báo ngày 7/6, theo đó hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4.1% xuống còn 2.9% và hạ dự báo tăng trưởng Mỹ 1.2% xuống còn 2.5%. WB cho rằng nền kinh tế toàn cầu có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng yếu và lạm phát gia tăng như những năm 1970.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa của TP HCM tháng 5-2022 ước đạt 57,757 tỉ đồng, tăng 3.08% so với tháng trước và tăng 13.8% so cùng kỳ năm 2021.
- Hơn 1,300 tỷ đồng với 9 dự án thành phần vừa được phê duyệt và điều chỉnh bổ sung để khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại Bình Định.
- UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành logistics trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
- Việt Nam vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77, đại diện cho châu Á – Thái Bình Dương, nhiệm kỳ 1 năm bắt đầu từ ngày 13/9.
- Hải Phòng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp gần 4,600 tỷ đồng tại huyện Tiên Lãng.
- Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định giao dịch chuyển nhượng BĐS phải thanh toán qua ngân hàng để minh bạch trong kiểm soát giao dịch, tránh thất thu thuế.
- VSD: Tổng số tài khoản chứng khoán của thị trường Việt Nam tính tới cuối tháng 5/2022 là gần 5.7 triệu tài khoản, tăng 476,711 tài khoản so với cuối tháng trước.
- Bộ Tài chính: Hoàn thành 35% hợp phần (khoảng 22,600 tỷ đồng) về miễn, giảm thuế, phí trong chương trình phục hồi kinh tế.
- Bộ GTVT ưu tiên 4,905 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông, khởi công mới 3 dự án tại Phú Yên.
- NHNN: Ngân hàng từ chối hỗ trợ lãi suất vay 2% phải có văn bản thông báo cho khách hàng.
- Đầu tháng 6, hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân ở hầu hết các kỳ hạn
- Bộ KH & ĐT: Kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đầu tư nhà ga T2 sân bay Cát Bi từ nguồn vốn ACV, với tổng mức đầu tư 2,405 tỷ đồng và được thực hiện trong 18 tháng.
- Bộ Tài chính: Đề xuất giảm 8% thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ không pha chì xuống mức 12% nhằm góp phần làm chậm đà tăng giá xăng.
- Thống đốc NHNN: Nợ xấu BĐS lên đến 37,000 tỷ đồng, tăng cường thanh tra, tập trung vào các hồ sơ tín dụng lĩnh vực BĐS của nhiều tổ chức tín dụng.
Thế giới
- ECB dự kiến nâng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 7, có khả năng nâng lãi suất cao hơn vào tháng 9, dự báo sẽ nâng tổng cộng 150 điểm cho tới tháng 12/2022.
- Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 16.9% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2021.
- Reuters: Các NHTW lớn trên thế giới đang chạy đua để loại bỏ kích thích hậu đại dịch và bắt kịp tốc độ tăng lãi suất để vượt qua lạm phát gia tăng.
- Reuters: Lạm phát của Nga chậm lại còn 17.1% vào tháng 5 trước cuộc họp công bố lãi suất của CBR sắp tới.
- NHTW Australia nâng lãi suất 50 điểm cơ bản lên 0.85%, mức tăng mạnh nhất trong 22 năm.
- Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng, tăng cường nhập tấm pin mặt trời từ Đông Nam Á.
- CNN Business: Hàng nghìn người lao động ở Anh bắt đầu làm việc 4 ngày/tuần kể từ ngày 6/6, với thu nhập không bị cắt giảm.
- Reuters: World Bank cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống còn 2.9%.
- Tổng thống Joe Bien đang cân nhắc phương án dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm hạ giá thành.
- The Guardian: Hơn 45 triệu người, tương đương gần 14% dân số Mỹ, đang gánh số nợ sinh viên với tổng giá trị là 1,700 tỷ USD.
- Reuters: NHTW Nga dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 10% vào ngày 10/6 trong bối cảnh lạm phát tại Nga dần được kiểm soát.
- Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên trên 3%.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV kết thúc vào 17/6.
- ETF VNM và FTSE cơ cấu danh mục quý II, HĐTL VN30F2206 đáo hạn ngày 16/3.
- 13/6, Chỉ số sản xuất công nghiệp, cán cân thương mại và GDP Anh.
- 14/6, CPI Pháp; Tỷ lệ thất nghiệp Anh; Chỉ số sản xuất EU và PPI của Hoa Kỳ.
- 15/6, Doanh thu bán lẻ, chỉ số sản xuất công nghiệp, thất nghiệp Trung Quốc; Doanh thu bán lẻ; Dự trữ dầu thô Hoa Kỳ.
- 16/6, Lãi suất và biên bản FED; Lãi suất và chính sách tiền tệ NHTW Thụy Sỹ; Lãi suất và chính sách tiền tệ BOE; Đơn xin trợ cấp thất nghiệp Hoa Kỳ.
- 17/6, Lãi suất và chính sách tiền tệ BOJ; Chỉ số sản xuất công nghiệp Hoa Kỳ
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

