Index | Close | % |
Dow Jones | 32,224.01 | +0.09% |
Dầu WTI | 111.77 | +2.06% |
Vàng | 1,826.45 | +0.73% |
Tỷ giá | 23,096.5 | +0.05% |
Thông tin vĩ mô
- Giá hóa chất trong sản xuất thép, cao su, phân bón đồng loạt giảm. Theo Sunsirs, giá giao ngay của calci carbide (đất đèn), được sử dụng trong sản xuất thép, ngày 16/5 ở Trung Quốc là 4.366 nhân dân tệ/tấn (642 USD/tấn), giảm 1% so với cuối tuần trước. Trong tuần trước, giá mặt hàng này tăng 7,3%. 2-etylhexanol (2 – EH), chất được sử dụng trong sản xuất cao su, khai thác dầu khí, cũng giảm 1% so với cuối tuần trước, xuống còn 12.566 nhân dân tệ/tấn (1.849 USD/tấn). Trong tuần trước, giá mặt hàng này nhích lên 0,3%. Giá ure và một số nguyên liệu sản xuất phân bón cũng giảm. Giá ure ngày 16/5 là 3.261 nhân dân tệ/tấn (480 USD/tấn), giảm 0,5% so với cuối tuần trước. Trong tuần trước, ure tăng 3,8% còn trong tháng 4, giá mặt hàng này tăng 2,8%. Theo Fertilizer Pricing, chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets trong tuần kết thúc vào ngày 13/5 là 1.018 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước đó. So với đỉnh giá hồi cuối tháng 3, giá giảm gần 20% nhưng vẫn cao hơn trước chiến tranh tại Ukraine là 16%. Axit sulfuric – hóa chất dùng để sản xuất phân bón, hạ 2% so với cuối tuần trước, xuống còn 1.072 nhân dân tệ/tấn (157 USD/tấn). Trong tuần trước, giá mặt hàng này giảm 8,4%
- Ưu tiên phát triển tập trung ngành thép tại vùng duyên hải miền Trung. Trong văn bản báo cáo Thủ tướng về chiến lược phát triển ngành thép đến 2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ Công Thương tính toán tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp và ôtô lớn nhất, đều là 120 tỷ USD, tiếp đến là giao thông đường sắt (35 tỷ USD), tiếp theo là cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến (15 tỷ USD); cuối cùng là thiết bị tiêu chuẩn và tàu điện ngầm đều là 10 tỷ USD. Bộ Công Thương cho rằng sức cầu từ ngành chế tạo như vừa nêu là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc mà hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong hoạt động sản xuất thép nội địa. Trước nhu cầu vừa nêu, Bộ Công Thương dự kiến thu hút doanh nghiệp sản xuất thép đầu tư, phát triển tập trung ở vùng duyên hải miền Trung, nơi có nhiều cảng nước sâu, có nguồn năng lượng tái tạo tương đối dồi dào (tiêu thụ năng lượng tại chỗ), quỹ đất còn nhiều và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng thấp. Tiếp theo là vùng Đồng bằng sông Hồng, nơi tập trung đông dân cư, có nhu cầu tiêu thụ lớn và hạ tầng giao thông đường biển, đường bộ, đường sắt phát triển.
- Thị trường bất động sản Trung Quốc tháng 4 ảm đạm nhất từ năm 2006. Doanh số bất động sản tại Trung Quốc trong tháng 4 giảm mạnh nhất trong vòng 16 năm qua trong bối cảnh các lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19 đã làm “nguội” nhu cầu thị trường dù các cơ quan chức năng liên tục có những động thái hỗ trợ chính sách nhằm vực lại một trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Dù lãi suất các khoản vay thế chấp đối với người mua nhà lần đầu đã chính thức giảm từ ngày 15/5, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để thuyết phục các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích về khả năng hồi phục nhu cầu bất động sản. Lĩnh vực bất động sản, trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc, tăng trưởng chậm lại từ năm 2021 sau khi chính quyền nền kinh tế số 2 thế giới siết khả năng vay vốn của nhiều doanh nghiệp, khiến nhiều người lo ngại một loạt các dự án sẽ bị bỏ dở. Hơn 80 thành phố đã tiến hành các biện pháp thúc đẩy nhu cầu thị trường từ đầu năm nay, thông qua việc cung cấp các khoản trợ cấp, giảm lãi suất vay thế chấp và chia nhỏ các đợt thanh toán. Tuy nhiên, triển vọng thị trường bất động sản vẫn tương đối ảm đạm trong bối cảnh lệnh phong tỏa đang được áp dụng tại một loạt các thành phố, trong đó có đầu tàu kinh tế Thượng Hải.
- Kinh tế toàn cầu trong vòng xoáy lạm phát đình trệ. Trái với kỳ vọng của nhiều chuyên gia về sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ, khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia, còn dự báo tăng trưởng kinh tế đang xấu đi nhanh chóng, sau cú sốc kép là đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine. Tình thế này đặt các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới vào tình thế khó khăn trong thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Cú sốc lạm phát đình trệ năm 2022 thực sự mang tính toàn cầu, với hầu hết các quốc gia ghi nhận xu hướng tăng giá bất ngờ và hoạt động kinh tế suy giảm trong vài tháng qua trong khi kỳ vọng tăng trưởng xấu đi. Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ đạt trung bình 3,3% trong năm nay, giảm so với mức 4,1% được dự đoán hồi tháng 1, trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong khi đó, lạm phát toàn cầu được dự báo ở mức 6,2%, cao hơn 2,25 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1. Xung đột giữa Nga và Ukraine đang đẩy nhanh sự thay đổi của thị trường năng lượng và đẩy giá hàng hóa lên cao. Lạm phát vốn được cho là “chỉ trong ngắn hạn” có khả năng vượt dự kiến của các nhà hoạch định chính sách. Ngay cả trước cuộc xung đột, giá cả đã tăng cao kỷ lục ở nhiều quốc gia như Mỹ, Anh và khu vực đồng tiền chung euro (eurozone), do đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thúc đẩy nhu cầu hàng hóa. Cuộc xung đột làm trầm trọng thêm những vấn đề này bởi Nga và Ukraine cung cấp một lượng lớn khí đốt, dầu mỏ, lúa mỳ, phân bón và các nguyên liệu khác trên toàn cầu, đẩy giá năng lượng và lương thực tăng cao, đặc biệt ở châu Âu.
- Bộ Tài chính: Đẩy nhanh giải pháp chặn lãnh đạo mua bán chui, giám sát tuyến đầu để phát hiện giao dịch bất thường. Bộ Tài chính (UBCKNN) cho biết đang chỉ đạo các SGDCK đẩy nhanh việc nghiên cứu giải pháp để ngăn chặn việc cổ đông nội bộ giao dịch cổ phiếu mà không công bố thông tin trước khi giao dịch, đề xuất giải pháp chặn kỹ thuật, cũng như kiến nghị sửa đổi các quy định có liên quan về giao dịch chứng khoán. Theo thông tin, Bộ Tài chính cho biết sẽ khẩn trương thực hiện và rà soát vướng mắc, bất cập quy định pháp luật chứng khoán, từ Luật Chứng khoán tới các văn bản hướng dẫn; đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đúng kế hoạch, cũng như triển khai Chiến lượng phát triển thị trường chứng khoán 2021 – 2030 khi được Chính phủ phê duyệt. Thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót theo kế hoạch đã được phê duyệt. Dựa trên kết quả giám sát, kiểm tra sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao vai trò giám sát của các tuyến giám sát, nhất là giám sát tuyến đầu của các Sở giao dịch chứng khoán trong kịp thời phát hiện dấu hiệu giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường để kịp thời cảnh báo cho nhà đầu tư. Thực hiện thanh kiểm tra giao dịch chứng khoán khi có dấu hiệu bất thường, thao túng.
- S&P 500 giảm điểm trở lại: Nhóm công nghệ kéo tụt chứng khoán Mỹ, cổ phiếu dầu khí ngược chiều đi lên. Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 16/5 đa phần đóng cửa trong sắc đỏ khi các chỉ số nỗ lực hồi phục sau cú giảm sâu tuần vừa qua nhưng bất thành, nhà đầu tư đang lo ngại nguy cơ nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Theo CNBC, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ liên tục rung lắc giữa hai sắc xanh – đỏ trong phiên đầu tuần 16/5. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên tăng 27 điểm, tức là chỉ 0,08%, và dừng ở 32.223 điểm. Ngược lại, chỉ số S&P 500 giảm 0,39% còn 4.008 điểm dù đã có lúc mất tới 0,99%. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt sâu nhất khi mất 1,2% và đóng cửa ở 11.663 điểm. Thống kê bên dưới cho thấy Nasdaq đã đi xuống 7 trong 15 phiên vừa qua. Cổ phiếu công nghệ là nhân tố chính kéo tụt thị trường chứng khoán Mỹ phiên 16/5. Nhóm điện toán đám mây gồm Datadog, Cloudflare và Atlassian đi xuống lần lượt 10,7%, 13,6% và 6,3%. Cổ phiếu đại gia xe điện Tesla mất 5,9%. Thị trường diễn biến tiêu cực sau khi sa sút trong tuần 9-13/5 giữa nhiều lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Mỹ giảm tốc, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) liên tục tăng mạnh lãi suất và lạm phát duy trì ở đỉnh 40 năm.
Tin doanh nghiệp
- PSH: Nam Sông Hậu (PSH) đặt kế hoạch doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận tăng nhẹ năm 2022
- GMD: Gemadept (GMD): Quỹ đến từ Hàn Quốc vừa mua thêm 300.000 cổ phiếu
- TNA: Thiên Nam (TNA) sẽ thoái 100% vốn tại dự án 20,24 ha ở Vũng Tàu
- HID: Halcom Việt Nam (HID) lên kế hoạch sẽ chào bán riêng lẻ 18 triệu cổ phiếu, giá 10.000 đồng/CP
- TNG: 4 tháng đầu năm 2022, TNG lãi sau thuế 55,97 tỷ đồng, tăng 65,3%
- PLC: Hoá dầu Petrolimex (PLC) chốt quyền chia cổ tức 15% bằng tiền mặt
- VCG: Vinaconex (VCG) hoàn tất bán 2 triệu cổ phiếu Vinasinco
- MBB: Dragon Capital bán ra hơn 2,8 triệu cổ phiếu MBB và không còn là cổ đông lớn của MB Bank
Diễn biến thị trường Phiên 16.05.2022
- TTCK Việt Nam giảm điểm trước áp lực bán gia tăng vào cuối phiên trong bối cảnh các rủi ro vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện.
- Ấn Độ – nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới thông báo tạm cấm xuất lúa mì kể từ ngày 14-5 để bình ổn giá cả mặt hàng lương thực quan trọng này ở thị trường trong nước giữa lúc các đợt nắng nóng đe dọa các vụ mùa lúa mì địa phương, đẩy giá lúa mì ở Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong lịch sử tác động tiêu cực đến cổ phiếu nhóm chăn nuôi ở DBC (-3.9%), MML (-1.4%).
- Nhu cầu giấy làm bao bì, chủ yếu giấy làm carton hòm hộp giảm sút và những trở ngại về logistics xuất phát từ các lệnh phong tỏa tại Trung Quốc khiến nhiều nhà máy giấy tại Trung Quốc phải cắt giảm công suất tác động tiêu cực đến cổ phiếu nhóm bao bì ở DHC (-0.4%).
Quan điểm kỹ thuật Phiên 16.05.2022
- VNIndex tăng điểm ngay từ đầu phiên trước khi dần suy yếu và đảo chiều giảm điểm giằng co đến cuối phiên.
- Áp lực bán gia tăng khiến cho đà hồi phục tích cực của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên. Lực cầu suy yếu kết hợp với quán tính giảm điểm trong phiên hôm nay để ngỏ rủi ro tiếp tục mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1160 trước khi VNIndex thiết lập một mặt bằng giá vững chãi hơn.
- Nhà đầu tư được khuyến nghị hạ tỷ trọng các vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và chỉ gia tăng tỷ trọng trở lại nếu về vùng hỗ trợ đối với các cố phiếu mục tiêu.