I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
VN-Index tạo đáy mới, áp lực call margin quay trở lại
Lực cầu suy yếu không đủ sức chặn đà bán của thị trường, VN-Index giảm mạnh -11.02% trong tuần với 374 cổ phiếu giảm và 18/19 ngành giảm điểm. Hoạt động giải chấp margin tại nhiều CTCK đẩy chỉ số vào vòng xoáy giảm điểm. VN-Index giảm dưới các ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1,200 điểm sau khi mất đáy ngắn hạn tại 1,310 điểm. Thanh khoản tăng ở những phiên giảm điểm nhưng không đồng nghĩa với việc đà giảm sẽ chậm lại khi nhiều cổ phiếu vẫn giảm sàn và áp lực call margin cũng như hoạt động giảm danh mục đầu tư kiểm soát rủi ro vẫn hiện hữu. Với diễn biến hiện tại, chúng tôi cho rằng chỉ số vẫn trong quá trình dò đáy đồng nghĩa với việc bắt đáy tiếp tục tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Duy trì tỷ trọng tiền mặt cao và thận trọng ở những nhịp hồi với thanh khoản thấp tiếp tục được lưu ý trong ngắn hạn.
Trong báo cáo thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 2021 và kế hoạch 2022, Chính phủ nhìn nhận nền kinh tế bước vào quỹ đạo phục hồi tuy nhiên chưa phục hồi mạnh trong ngắn hạn do ảnh hưởng nặng nề từ Covid. Báo cáo cũng nhận định chương trình phục hồi và phát triển kinh tế còn chậm. Các Bộ ban ngành đang thực hiện các dự thảo Nghị định để triển khai giải ngân các hạng mục trong gói hỗ trợ. Chính phủ đã cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và dự kiến ban hành trong tháng 5/2022. Nếu Nghị định ban hành đúng tiến độ đề ra thì hoạt động giải ngân gói hỗ trợ tín dụng có thể kỳ vọng tiến hành trong tháng 6.

Trong tuần vừa qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch có phần tiêu cực và là nhân tố chính khiến thị trường đi xuống, trong khi đó, cả khối ngoại và các tổ chức trong nước đều mua ròng tốt.
Theo dữ liệu của FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng trở lại 3.486 tỷ đồng ở HoSE sau 2 tuần mua ròng liên tiếp trước đó. Nếu tính về phương thức khớp lệnh, dòng vốn này bán ròng 3.026 tỷ đồng.
Các tổ chức trong nước mua ròng trở lại 1.804 tỷ đồng sau 2 tuần bán ròng liên tiếp (mua ròng 1.931 tỷ đồng thông qua khớp lệnh).
Khối ngoại mua ròng trở lại 1.682 tỷ đồng trong tuần 9-13/5, tương ứng khối lượng mua ròng ở mức hơn 44 tỷ đồng.

TTCK Thế giới
Lạm phát tăng cao, triển vọng kinh tế không rõ ràng các chỉ số CK Hoa Kỳ giảm mạnh
Chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ giảm mạnh với mức trung bình 5% trước thông tin lạm phát duy trì ở mức cao và Chủ tịch FED không chắc nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm. Các TTCK Châu Âu tăng giảm trong biên độ hẹp trong khi TTCK Châu Á cũng có sự phân hóa mạnh. Các thị trường Philippines, Indonesia và Việt Nam có mức giảm từ 7% – 11% trong khi TTCK Trung Quốc ghi nhận mức tăng 2.7%. Thị trường hàng hóa cũng giảm 2.1% với hầu hết các mặt hàng giảm ngoại trừ mức tăng 7.2% của Lúa mì. Quyết định của FED tiếp tục hỗ trợ cho USD Index tăng thêm 0.9%. USD tăng giá so với EUR, đồng tiền các quốc gia phát triển và mới nổi trong khi lại giảm giá -1.4% so với JPY. Với thông tin lạm phát tăng cao, nhiều quốc gia sẽ phải điều chỉnh chính sách tiền tệ qua đó sẽ còn tác động mạnh đến các thị trường trong thời gian tới.
Nhiều quốc gia Châu Âu ghi nhận mức lạm phát tăng lên mức cao kỷ lục, lạm phát Séc tăng từ 12.7% lên 14.2%; Hy lạp ghi nhận mức 10.2%, cao nhất kể từ 1995 và Đan Mạch tăng 6.7%, cao nhất trong gần 40 năm. Giá cá năng lượng, thực phẩm tăng vọt trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine chưa hạ nhiệt vẫn là nguyên nhân chính cho lạm phát tăng cao và duy trì ở nhiều quốc gia. Lạm phát cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ khi giữ trên mức 8% trong 2 tháng gần đây. Cùng với FED đang đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán (Xem thêm tại phần chuyên đề), Chính phủ Hoa Kỳ cũng cân nhắc gỡ bỏ một số thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu trừ Trung Quốc. Một số mặt hàng tiêu dùng như quần áo, đồ gia dụng, tã giấy trẻ em cũng được ông Biden nhắc tới về khả năng gỡ thuế quan trong bài phát biểu ngày 10/5

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Bộ Tài chính trình Chính phủ cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được chậm nộp khoảng 20,000 tỷ thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 4/2022, xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục mang về trên 01 tỷ USD với mức tăng trưởng mạnh mẽ 41% so với cùng kỳ năm 2021.
- Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cùng các công ty chứng khoán đang thực hiện kiểm tra thử nghiệm giao dịch lô lẻ từ ngày 09-20/05/2022.
- Báo cáo của Chính phủ: Tổng giá trị phát hành trái phiếu Q1/2022 là 56,400 tỷ đồng. Trong đó, phát hành riêng lẻ là 49,400 tỷ đồng và phát hành ra công chúng 7,000 tỷ đồng, lần lượt chiếm 87.6% và 12.4% tổng giá trị phát hành.
- Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam: Dự báo kinh tế Việt Nam hồi phục tăng trưởng 6% trong năm 2022 và 7.2% trong năm 2023, với lạm phát khoảng 4% – 4.5%.
- World Bank: Chỉ số sản xuất công nghiệp Việt Nam tháng 4 tăng 9.4% so với cùng kỳ năm trước, với tăng trưởng doanh thu bán lẻ được nâng từ 10.4% trong tháng 3 lên 12.1% trong tháng 4, tương đương tốc độ trước đại dịch
- Tổng cục Thuế: Số thu từ thuế thu nhập cá nhân của hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 8,209 tỉ đồng, tăng 63% so với 3 tháng đầu năm 2021, tương ứng tăng 3,200 tỉ đồng.
- Ngân hàng Nhà nước: Dự thảo quy định điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp bao gồm: chi phí vay nước ngoài bằng ngoại tệ bằng lãi suất tham chiếu cộng với 8%/năm; vay bằng tiền đồng, lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam cộng 8%/năm.
Thế giới
- G7 đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, còn Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – ủng hộ đề xuất Liên minh châu Âu (EU) ngừng mua dầu Nga từ tháng 1/2023.
- Tổng Cục Hải quan Trung Quốc công bố kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này chỉ tăng 2,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thương mại thấp nhất của nước này kể từ tháng 6/2020. Mức tăng của tháng 3 chỉ là 7,5%, do phong toả Thượng Hải.
- Reuters: Báo cáo nợ hộ gia đình hàng quý của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York công bố ngày 10/5 cho thấy nợ thế chấp đã tăng lên 11,18 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3 và hiện chiếm 71% tổng nợ hộ gia đình, tỷ lệ cao nhất trong khoảng một thập kỷ.
- Cục thống kê lao động Mỹ: CPI Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 4/2022 lên 8.3%, quanh mức đỉnh 40 năm, qua đó tạo gánh nặng cho người tiêu dùng và đe dọa tới đà tăng trưởng kinh tế.
- Trung Quốc công bố dữ liệu lạm phát tháng 4 cao hơn dự báo. CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ, con số thực tế vượt lên trên mức dự báo tăng 1,8% trong một cuộc khảo sát thực hiện bởi Reuters.
- Morgan Stanley: Tăng trưởng giảm tốc sẽ diễn ra trên diện rộng, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 sẽ ở mức 2.9%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 6.2% năm 2021.
- Chính phủ Nga: Áp đặt các biện pháp trừng phạt với hơn 30 công ty năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Singapore nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt liên quan tới Ukraine.
- Ủy ban châu Âu EC: Dự án chuyển tiếp năng lượng tăng tốc của EU dự kiến trị giá 195 tỷ euro. Đến năm 2030, EU sẽ cần giảm tiêu thụ năng lượng 13% thay vì 9% theo kế hoạch.
- Bộ Lao động Mỹ: Yêu cầu trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã tăng 1,000 lên mức 203,000, mức cao nhất kể từ giữa tháng hai. Số người nhận trợ cấp sau một tuần mở yêu cầu viện trợ đầu tiên đã giảm đi 44,000 người xuống còn 1.343 triệu người.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Thị trường đang biến động tiêu cực trước áp lực giải chấp margin và giảm quy mô danh mục nhằm kiểm soát rủ ro biến động giá.
- 16/5, Doanh thu bán lẻ, chỉ số công nghiệp và thất nghiệp Trung Quốc; Báo cáo dự báo kinh tế Châu Âu.
- 17/5, Biên bản chính sách tiền tệ Australia; GDP lần đầu EU; Doanh thu bán lẻ Hoa Kỳ.
- 18/5, GDP lần đầu Nhật Bản; CPI Anh, Canada.
- 19/5, Đơn xin trợ cấp thất nghiệp và doanh thu bán nhà qua sử dụng Hoa Kỳ.
- 20/5, Doanh thu bán lẻ Anh.
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

