I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Không còn bất ngờ từ nhóm cổ phiếu Bluechips, VN-Index mất hết số điểm tăng tuần trước.
VN-Index giảm -2.27%, đánh mất toàn bộ số điểm tăng trong tuần trước với 2 phiên giảm mạnh cuối tuần. Những thông tin công bố mới và tin đồn bất lợi đã nhấn chìm nỗ lực vượt đỉnh cũ của VN-Index. Thị trường giảm trên diện rộng với 18/19 ngành mất điểm. Trong thời điểm tâm lý NĐT bị thử thách vẫn còn những điểm sáng để kỳ vọng về kịch bản thị trường khó giảm sâu. Trong tháng 3 có gần 271 nghìn tài khoản mở mới, đưa tổng số tài khoản đầu tư CK vượt 5% dân số. Điều này cho thấy thị trường vẫn đang có sức hút mạnh với NĐT mới. Cùng với đó KQKD quý I của nhiều công ty công bố tại mùa ĐHCĐ khá tích cực. Tâm lý tiêu cực có thể đẩy thị trường giảm thêm nhưng điều này đang mở ra cơ hội đầu tư cho các ngành nghề không bị ảnh hưởng từ những sự kiện đã được công bố trong 2 tuần qua.
Báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN ước thực hiện 3 tháng của Bộ tài chính cho thấy còn hơn 50 nghìn tỷ vốn đầu tư công chưa phân bổ; tỷ lệ giải ngân chỉ đạt trên 11.9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ. Theo chỉ đạo Chính phủ nếu bộ, cơ quan, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 thì đề xuất chuyển vốn cho các cơ quan khác và phê bình, kiểm điểm người đứng đầu. Với tinh thần quyết liệt của Chính phủ, tốc giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh. Ngoài ra, tiến độ hoàn thành các quy định hướng dẫn để triển khai gói hỗ trợ trong Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế – xã hội cũng hoàn tất trong bối cảnh đầu tư công sẽ đóng vai trò quan trọng kích thích tăng trưởng khi diễn biến địa chính trị quốc tế còn nhiều phức tạp như hiện nay

Giao dịch trong tuần vừa qua mang đậm dấu ấn của nhà đầu tư cá nhân trong nước khi mua ròng trở lại, trong khi đó, các tổ chức và khối ngoại đều bán ròng.
Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng trở lại 1.750 tỷ đồng ở sàn HoSE sau 2 tuần bán ròng liên tiếp, trong đó có 1.528 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
Diễn biến của nhà đầu tư tổ chức trong nước tiếp tục đi ngược các cá nhân khi bán ròng trở lại 748 tỷ đồng, trong đó có 537 tỷ đồng thông qua khớp lệnh.
Khối ngoại ở sàn HoSE bán ròng trở lại 1.000 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là hơn 38 triệu cổ phiếu.

TTCK Thế giới
Quan điểm diều hâu của một số quan chức FED ảnh hưởng thị trường CK.
Các quan chức FED phát tín hiệu mạnh hơn trong cuộc chiến chống lạm phát khi cho rằng FED sẽ nâng mạnh lãi suất, cắt giảm nhanh chóng quy mô trên bảng cân đối kế toán. Quan điểm này đã tác động tiêu cực đến TTCK Hoa Kỳ trong tuần trong khi lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm lập đỉnh mới trên mức 2.6% trong năm 2022. Tính chung tuần, TTCK Hoa Kỳ giảm từ 0.2% – 2.3%; các thị trường chủ chốt và thị trường Châu Á cũng có mức giảm từ 0.4% đến 2%. Thị trường hàng hóa hồi phục tăng 1.3% bất chấp mức giảm -2% của dầu thô nhờ mức tăng trên 10% của quặng sắt và gas tự nhiên. Biến động các thị trường vẫn còn phức tạp khi Mỹ và EU tiếp tục thông qua các gói trừng phạt Nga và Trung Quốc vẫn đang triệt để phong tỏa các thành phố lớn nhằm đối phó Covid.
6/4, ADB hạ dự báo tăng trưởng Châu Á thấp hơn 0.1% về mức 5.2% so với tháng 12/2021. CPI khu vực tăng từ 2.5% lên mức 3.7% trong bối cảnh sức ép giá cả hàng hóa tăng đe dọa phục hồi kinh tế và ổn định lạm phát. Dù vậy, tổ chức này giữ nguyên mức tăng trưởng của Việt
Nam năm 2022 ở mức 6.5% và 6.7% năm 2023 nhờ 3 trụ cột Công nghiệp chế biến chế tạo; Thương mại và đầu tư và Dịch vụ tích cực. Tổ chức này cũng đề 3 rủi ro Việt Nam phải đối mặt gồm: Rủi ro về dịch bệnh; Rủi ro địa chính trị (căng thẳng Nga – Ukraine) và Rủi ro nội tại (nợ xấu, trái phiếu Doanh nghiệp). Trước đó 1 ngày, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam kịch bản cơ bản 5.3%, giảm từ mức 6.5% và tiêu cực 4.4%

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Cước vận tải biển hợp đồng dài hạn đã tăng 7% trong tháng 3, tương đương mức tăng gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái. 18 tháng trở lại đây, chỉ có 2 tháng (12/2021 và 1/2022) ghi nhận giá cước vận tải biển trên toàn cầu giảm. Xu hướng tăng giá neo cao là sự kết hợp của nhu cầu tăng cao kéo dài, việc tắc nghẽn tại cảng ở Mỹ, thiếu container rỗng và sự gián đoạn do Covid-19.
- Theo kết quả khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN), các ngân hàng đã điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của năm 2022 so với kỳ điều tra trước. Chỉ còn gần 90% ngân hàng dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021 (giảm 5 điểm điểm phần trăm so với tỷ lệ kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 6% ngân hàng dự báo lợi nhuận suy giảm trong năm nay và 5% dự báo không đổi.
- Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước công bố, tín dụng trong quý 1 tăng 5,04% so với cuối năm 2021 (số liệu tính đến ngày 20/3 là 4,03%) và tương đương với mức tăng 15,9% so với cùng kỳ. Như vậy, quy mô tín dụng đã tăng gần 526 nghìn tỷ đồng chỉ trong quý 1/2022 và hơn 100 nghìn tỷ đồng chỉ trong 10 ngày cuối tháng.
- Báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước ước thực hiện 3 tháng kế hoạch năm 2022, Bộ Tài chính cho biết hiện có tới 19/51 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đó, kế hoạch vốn chưa được triển khai phân bổ chi tiết là 51.015,655 tỷ đồng, chiếm 9,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn trong nước là 49.443,821 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 1.571,834 tỷ đồng.
- Chính phủ đang triển khai nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ ngành hàng không như giảm 50% giá cất cánh, hạn cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, áp dụng giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay,… Dưới sự hỗ trợ này, ngành hàng không được dự báo sẽ duy trì lại mức tăng trưởng 8-10%/năm về hành khách và 10-12% về hàng hóa sau dịch Covid-19.
- Thặng dư thương mại cán mốc gần 1 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay, với kim ngạch XNK cả năm 2022 có thể đạt con số 750 tỷ USD.
Thế giới
- Trong bài trả lời phỏng vấn được kênh truyền hình CBS của Mỹ phát sóng mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các đại diện của Kiev và Moskva đã gần đạt được các thỏa thuận, có thể bao gồm những vấn đề như phi hạt nhân hóa, phi liên minh và quy chế trung lập. Đề cập đến nội dung đề xuất của các thỏa thuận, Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine sẽ áp dụng quy chế trung lập, phi hạt nhân hóa, không liên minh, đồng thời, Ukraine sẽ có tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU).
- Dư nợ cho vay với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc cuối năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước tại 17 trong số 32 ngân hàng Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Rủi ro từ lĩnh vực bất động sản được phản ánh qua sự gia tăng nợ xấu. Theo như số liệu mới nhất tại 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, tỷ lệ nợ xấu bất động sản tăng hơn 1 điểm phần trăm lên 3,8% trong năm 2021, ngay cả khi tỷ lệ nợ xấu nói chung có cải thiện. Một số ngân hàng nhỏ như Jinshang Bank ở tỉnh Sơn Tây có tỷ lệ nợ xấu bất động sản vượt 10%.
- Mỹ và các nước đồng minh đồng loạt ra tín hiệu sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga. Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết các biện pháp trừng phạt mới sẽ tăng cường hạn chế đối với các thể chế tài chính và doanh nghiệp nhà nước của Nga cũng như nhắm vào các quan chức chính phủ Nga, nhằm biệt lập hơn nữa Nga về kinh tế, tài chính và công nghệ.
- Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 3 với thông báo giảm quy mô bảng cân đối kế toán 9.000 tỷ USD. Thống đốc Fed Lael Brainard tiết lộ kế hoạch giảm quy mô này sẽ bắt đầu từ ngay tháng 5/2022 và tốc độ thực hiện sẽ nhanh hơn đáng kể so với giai đoạn 2017 – 2019 (10 tỷ USD/tháng). Khả năng Fed hành động quyết liệt hơn đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 5 điểm cơ bản lên 2.6%.
- Ngày 7/4, quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và luật hóa lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Đạo luật cũng áp dụng đối với nước láng giềng của Nga là Belarus và cho phép Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Nga. Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua trước khi luật được thông qua tại Hạ viện nước này.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Công bố KQKD quý I và mùa họp ĐHCĐ.
- Nhiều thông tin và tin đồn xuất hiện liên quan đến cổ phiếu BĐS, cũng như về TTCK.
- 11/4, Cuộc họp OPEC.
- 12/4, CPI Hoa Kỳ, EU; Tỷ lệ thất nghiệp Anh.
- 13/4, Chỉ số sản xuất công nghiệp EU; CPI Anh; Lãi suất và biên bản chính sách tiền tệ Canada; Dự trữ dầu thô Hoa Kỳ.
- 14/4, Tỷ lệ thất nghiệp Australia; Biên bản chính sách tiền tệ ECB; Doanh thu bán lẻ và đơn xin trợ cấp Hoa Kỳ.
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN
