Nhiều nền kinh tế trên thế giới tiếp tục trải qua giai đoạn đầy biến động khi ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục bên cạnh những yếu tố bất ổn như: căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp… Một số NHTW lớn trên thế giới đã bắt đầu hành động nâng lãi suất nhằm ngăn chặn đà tăng giá cũng như đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Trong quá khứ, đường cong lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ đảo ngược là một trong những tín hiệu đáng lo ngại cho nền kinh tế Mỹ nói riêng – điều này có tác động ra sao đến nền kinh tế thế giới và TTCK Việt Nam trong thời gian tới?
I. Lịch sử các đợt đảo ngược của đường cong lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ
Đánh giá: Lợi tức trái phiếu có kỳ hạn dài thông thường sẽ có lợi tức cao hơn so với các trái phiếu có kỳ hạn ngắn điều này cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng vào một khoản lợi nhuận lớn hơn trong tương lai tuy nhiên khi lợi tức trái phiếu ngắn hạn trả mức lợi tức cao hơn trái phiếu dài hạn (đường cao lợi tức đảo ngược) hàm ý cho thấy thị trường đang rơi vào trạng thái bất ổn và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Trong 05 đợt suy thoái gần nhất, thời gian trung bình các đợt đảo ngược lợi tức là 21.2 tháng và nền kinh tế bước vào trạng thái suy thoái trung bình sau 20.4 tháng kể từ khi đường cong có dấu hiệu đảo ngược với thời gian các cuộc suy thoái trung bình là 11.2 tháng;
Nhận xét: Từ năm 1970 đến nay, nền kinh tế Mỹ đã trải qua 06 đợt đường cong lợi tức trái phiếu đảo ngược (giữa kỳ hạn 10 năm và 2 năm) – một chỉ báo quan trọng trước khi nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn suy thoái. Trong 05 lần đảo ngược đường cong lợi tức TTCK giảm nhẹ với mức giảm trung bình là 7.91% tuy nhiên khi bước giai đoạn khủng hoảng TTCK đã chịu tác động mạnh hơn (giảm trung bình 23.52%) đồng thời nền kinh tế Mỹ cũng chứng kiến sự giảm tốc khi tốc độ tăng trưởng GDP có sự sụt giảm trung bình lần lượt là 2.56% và 5.46% trong giai đoạn đường cong đảo ngược và thời kỳ suy thoái.
Đối với đợt đảo ngược lợi tức lần 6 (từ T08-T09/2021) với thời gian khá ngắn – do Chính phủ và các NHTW trên thế giới thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để kích thích nền kinh tế nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
II. Liên hệ tại Việt Nam
Nhận xét: Nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCKVN nói riêng kể từ khi chính thức giao dịch (28/07/2000) đã trải qua 3 đợt đường cong lợi tức Mỹ đảo ngược. Tốc độ tăng trưởng GDP và chỉ số VN-Index hầu như không chịu ảnh hưởng trong giai đoạn đường cong đảo ngược nhưng có chung xu hướng giảm khi nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn suy thoái. Đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2009 và giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã chứng kiến mức sụt giảm sâu của nền kinh tế và chỉ số VN-Index.
Trước tín hiệu đường cong lợi tức TPCP Mỹ (kỳ hạn 10 năm và 2 năm) đang có dấu hiệu đảo chiều bên cạnh hành động nâng lãi suất điều hành của các NHTW trên thế giới (đặc biệt là FED) trong bối cảnh giá cả hàng hóa các mặt hàng đang ở mức cao và những bất ổn, xung đột chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng đứng trước những thách thức không nhỏ trong thời gian tới khi độ mở của nền kinh tế lớn và Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam.