I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
VN-Index tạm nghỉ và tích lũy lại trước cản 1,510 – 1,515 điểm.
VN-Index duy trì đà hồi phục tích cực trong tuần qua và chỉ dừng lại tại ngưỡng kháng cự cũ 1,510 – 1,515 điểm. Thị trường có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp nhờ sự hồi phục của nhóm cổ phiếu BĐS, các cổ phiếu lớn VIC, VHM và NVL. Độ rộng thị trường tăng tốt với 16/19 ngành tăng điểm, sự luân chuyển rõ rệt với mức tăng trên 5% của các nhóm Bán lẻ, Hóa chất và Bảo hiểm. Thị trường đã vượt vùng trung bình 1480 – 1485 điểm và có nhịp giao dịch giằng co quanh 1,500 điểm vào cuối tuần. Vận động ngành đang khá tích cực tuy nhiên VN-Index vẫn thiếu động lực về thông tin hỗ trợ và dòng tiền để vượt qua ngưỡng kháng cự. Chỉ số dự báo tiếp tục giằng co quanh 1,500 điểm với sự phân hóa mạnh trước thông tin ĐHCĐ và KQKD quý I của các công ty niêm yết.
NHNN công bố thông tin dữ liệu tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi, theo đó đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán đạt 13.7 triệu tỷ, tăng 2.59% so cuối năm 2021; tiền gửi tổ chức kinh tế 5.57 triệu tỷ, giảm 1.21% trong khi tiền gửi dư dân đạt 5.4 triệu tỷ, tăng 1.95% cùng kỳ. Tiền gửi dân tăng khá so với mức bình quân 1.69% tháng 1 từ 2013 đến nay cho thấy dòng tiền nhàn rỗi người quân đã quay lại hệ thống. Trước đó năm 2021 tiền gửi dân cư liên tục ở mức thấp kỷ lục do lãi suất tiền gửi thấp trong khi các kênh chứng khoán, trái phiếu DN và BĐS thu hút tiền nhàn rỗi lớn. Xu hướng này đang có sự thay đổi khi lãi suất tăng ở một số Ngân hàng và các kênh đầu tư không còn sôi động như trước.

Tuần vừa qua là thời điểm nhà đầu tư cá nhân giao dịch tiêu cực trở lại sau nhiều tuần mua ròng liên tiếp, trong khi đó, khối ngoại mua ròng trở lại khá mạnh.
Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 4 tuần mua ròng liên tiếp trên HoSE bằng việc bán ròng trở lại 2.024 tỷ đồng, trong đó có 2.109 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
Tổ chức trong nước dù có tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp nhưng giá trị giảm 72% so với tuần trước đó và ở mức 473 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính về giao dịch khớp lệnh, dòng vốn này mua ròng trở lại hơn 26 tỷ đồng.
Khối ngoại chấm dứt chuỗi 4 tuần bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 2.498 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là gần 43 tỷ đồng.

TTCK Thế giới
TTCK Hoa Kỳ tiếp tục hồi phục trước nguy cơ đòn trả đũa gia tăng
Các chỉ số CK Hoa Kỳ tiếp tục hồi phục trong khi TTCK chủ chốt Châu Âu tăng giảm nhẹ. TTCK Châu Á tăng điểm dù vậy TTCK Trung Quốc tiếp tục giảm -1.2% ảnh hưởng từ chính sách Zero covid. Gián đoạn xuất khẩu thô của Nga và Kazakhstan do bão giúp dầu thô và khí đốt tăng 5% – 10% qua đó giúp chỉ số hàng hóa Bcom Index tăng 4.2% sau 3 tuần giảm điểm liên tiếp. USD Index tăng trở lại 0.4%, mức tăng chủ yếu 2% so với JPY và 22.5% so với RUB. Những biến động trên các thị trường cho thấy vận động tăng giảm trong ngắn hạn vẫn rất khó lường trước những thông tin bất định. Hoa Kỳ và các đồng minh dự kiến sẽ tung ra lệnh trừng phạt mới với Nga và đảm bảo các nước phối hợp để ngăn Nga lách các biện pháp trừng phạt.
Hoa Kỳ và đồng minh cũng sắp công bố một chiến dịch nhằm tăng cường an ninh năng lượng của Châu ÂU và giảm sự phụ thuộc khí đốt Nga. Nga cũng có bước đi trả đũa khi tuyên bố áp dụng thanh toán khí đốt bằng đồng rúp với các quốc gia không thân thiện. Đằng sau cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa ngã ngũ thì các cuộc chiến trả đũa liên quan trừng phạt vẫn đang được các nước đưa ra. Trong bối cảnh này, không ngạc nhiên khi lạm phát các nước tiếp tục tăng cao. Lạm phát tháng 2 của Anh mới công bố tăng 6.2% cùng kỳ, cao nhất trong 30 năm khi giá thực phẩm, nhiên liệu và năng lượng tăng mạnh. Trước đó CPI Hoa Kỳ trong 12 tháng tính đển tháng 2 cũng tăng 7.9% đặt ra nhiệm vụ khó khăn cho FED tăng lãi suất mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Theo ước tính của Bộ Tài chính, CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao, do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. CPI bình quân 3 tháng đầu năm được dự báo ở mức 2-2,1% và vẫn nằm trong kích bản lạm phát. Việc điều hành xăng dầu theo giá cơ sở mới sẽ được thực hiện từ 1/4, nếu đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đồng ý giảm 2,000 đồng thuế môi trường trên mỗi lít xăng từ 1/4 đến hết năm nay, theo đề nghị của Chính phủ. Dự kiến, ngân sách Nhà nước hụt thu từ thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm nay hơn 29,000 tỷ đồng.
- Cục Hàng không Việt Nam ACV cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không 2021-2030 khoảng 479,600 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội cần huy động là 204,615 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư cho sân bay quốc tế Long Thành và việc mở rộng nhà ga hành khách T3 với khu bay phía Nam của sân bay Nội Bài chiếm một nửa số vốn cần huy động.
- NHNN vừa cập nhập số liệu về tiền gửi khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng trong tháng đầu năm 2022. Cụ thể, tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13.7 triệu tỷ đồng, tăng 2.59% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi của cư dân đang ở mức 5.4 triệu tỷ đồng, tăng 103,000 tỷ đồng, tương đương tăng 1.95%. Đây cũng là tháng người dân gửi ròng tiền vào ngân hàng nhiều nhất trong 10 tháng trở lại đây.
- NHNN vừa có Quyết định số 422/QĐ-NHNN Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Theo đó, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022-2023 sẽ được triển khai thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Một trong những nhiệm vụ đáng lưu ý được NHNN nêu là việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank).
- Tín dụng dành cho mua sắm nhà ở đang được khá nhiều ngân hàng chú trọng. Theo nhận định từ các sàn giao dịch bất động sản, phân khúc nhà chung cư (loại trung bình và giá rẻ) hiện nay có giao dịch khá sôi động. Một số ngân hàng cho phép khách hàng chọn ưu đãi từ 6-36 tháng với các mức lãi cố định từ 3.9%-7.9%/năm.
Thế giới
- Cho đến nay, Nga và Ukraine vẫn chưa có nhiều tiến bộ trong quá trình đàm phán bất chấp bốn đợt trừng phạt của EU và các đồng minh phương Tây. Các nước Baltic bao đang kêu gọi áp lệnh cấm vận dầu với Nga, trong khi Đức cảnh báo không nên hành động quá nhanh vì giá năng lượng vốn đã cao ở châu u. Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU sẽ tiến hành thảo luận trong ngày hội nghị thượng đỉnh với các nước NATO, EU và nhóm G7 sắp tới.
- Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6.2% trong tháng 2, cao nhất kể từ tháng 3/1992, vượt dự báo trung bình tăng 5.9% từ giới chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát Reuters. Ngoài giá thực phẩm tăng, ONS lưu ý hóa đơn năng lượng của hộ gia đình đã tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước, và xăng dầu là lực đẩy chủ yếu đến CPI tháng 2.
- Giá trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm đẩy lợi suất tăng 0.48 điểm phần trăm lên 2.3% trong tháng 3. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng 0.69 điểm phần trăm kể từ đầu tháng 3 đến nay, ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/2004. Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hiện phẳng nhất kể từ tháng 3/2020, báo hiệu kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại.
- Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khôi phục miễn trừ thuế quan từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với khoảng 2/3 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn đã hầu hết đều hết hạn miễn trừ vào cuối năm 2020. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết sẽ khôi phục miễn trừ đối với 352 mặt hàng trong số đó. Các mặt hàng được khôi phục miễn trừ bao gồm nhiều loại linh kiện sản xuất và hàng tiêu dùng, từ các linh kiện trên màn hình tivi đến balô, xe đạp và gối.
- Chỉ số MOEX Russia có lúc bật tăng 12% lên 2,761 điểm trong ngày 24/03, khi thị trường chứng khoán Nga mở cửa một phần sau gần 1 tháng đóng cửa. Để bảo vệ thị trường, Nga đã áp lệnh cấm bán khống và hạn chế khối ngoại bán cổ phiếu Nga. Nga cũng đã thông báo các quỹ sẽ can thiệp và hỗ trợ với nguồn vốn lên tới 10 tỷ USD khi thị trường tái mở cửa
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 3 và quý I năm 2022.
- Vận động của ngành xoay quanh xung đột Nga – Ukraine.
- 28/3, Chủ tịch BOE phát biểu; Cán cân thương mại Hoa Kỳ.
- 29/3, Tỷ lệ thất nghiệp Nhật Bản; Chỉ số niềm tin tiêu dùng Hoa Kỳ.
- 30/3, Doanh thu bán lẻ Nhật Bản; GDP công bố lần cuối, Thay đổi bảng lương phi nông nghiệp và Dự trữ dầu thô Hoa Kỳ.
- 31/3, PMI Trung Quốc; Tỷ lệ thất nghiệp EU; Đơn xin trợ cấp thất nghiệp Hoa Kỳ.
- 1/4, Tỷ lệ thấp nghiệp và chỉ số PMI Hoa Kỳ.
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

