I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
TT hồi phục từ vùng đáy tích lũy 1,440 điểm.
Các cổ phiếu trụ cột Ngành Ngân hàng hồi phục giúp VN-Index có tuần tăng nhẹ cho dù đã giảm mạnh đầu tuần về dưới 1,440 điểm. Thị trường tiếp tục phân hóa mạnh với 206 cổ phiếu giảm so với 187 cổ phiếu tăng và 11/19 ngành giảm điểm. Vận động của thị trường ổn định dần và cùng chiều với sự hồi phục của TTCK quốc tế. Khối ngoại dù vậy vẫn đẩy mạnh bán ròng trong tuần các ETF cơ cấu tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam phần nào đã kìm hãm mức độ hồi phục của chỉ số. Thị trường đang có đà hồi phục tốt và dự báo sẽ tăng về 1480 – 1485 điểm trong tuần tới và có nhịp giao dịch giằng co trước khi xác lập vận động giá rõ ràng hơn.
Báo cáo “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” tháng 3, World Bank đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà phục hồi. Sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 8.5% và 3.1%. Giá năng lượng tăng nhưng lạm phát kiềm chế nhờ giá lương thực, thực phẩm ổn định khi cầu trong nước yếu. Các yếu tố rủi ro đang tăng cao trước làn sóng dịch trong nước và xu hướng phục hồi kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine.

Tương tự như các tuần trước đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn giao dịch theo chiều hướng tích cực trong khi cả tổ chức trong nước và khối ngoại đều duy trì trạng thái bán ròng.
Theo dữ liệu của FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng 3.259 tỷ đồng trên HoSE trong tuần từ 11-18/3, giảm 50% so với tuần trước đó, trong đó có 1.765 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Đây cũng là tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp của dòng vốn này với tổng giá trị 11.124 tỷ đồng.
Đối với tổ chức trong nước, dòng vốn này có tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị tăng 45% so với tuần trước và ở mức 1.727 tỷ đồng, trong đó có 307 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
Tương tự tổ chức trong nước, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp trên HoSE với giá trị giảm 71% so với tuần trước và ở mức hơn 1.532 tỷ đồng. Tính chung cả 4 tuần qua, khối ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 7.676 tỷ đồng.

TTCK Thế giới
Thị trường thế giới hồi phục mạnh trước nhiều rủi ro đang hiện hữu
Các chỉ số CK thế giới hồi phục mạnh cùng với thông tin chiến sự tạm lắng và tâm lý được cởi trói với quyết định tăng lãi suất của FED. Thị trường các nước chủ chốt tăng từ 3% – 6%. TT Châu Á cũng hồi phục, ngoại trừ TTCK Trung Quốc giảm -1.8% trước diễn biến mới về dịch bệnh và hoạt động đóng cửa một vài thành phố lớn. Giá cả hàng hóa dịu lại với mức giảm -1.9% của chỉ số Bcom index. Nhiều mặt hàng tiếp tục giảm sau khi đã tăng phi mã vào đầu tháng. Diễn biến đảo chiều còn ghi nhận trên thị trường tiền tệ. USD Index giảm -0.9% cho dù FED đã tăng lãi suất. Các thị trường dần ổn định nhưng các yếu tố rủi ro vẫn tiềm ẩn để tạo ra những diễn biến bất ngờ trong ngắn hạn.
Giá cước vận chuyển từ Trung Quốc tăng vọt do các biện pháp phong tỏa kiểm soát Covid. Ít nhất 13 thành phố bị phong tỏa hoàn toàn khi ca nhiễm ghi nhận tại 27 tỉnh thành trong chiến lược theo đuổi Zero covid. Hoạt động phong tỏa nhiều công xưởng lớn cũng đang tạo nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuần qua, FED cũng đã nâng lãi suất 0.25% và dự báo nâng thêm 6 lần trong năm 2022 kể từ 12/2018. FED dự báo lạm phát 4.3% và có thể thu hẹp số dư trên bảng cân đối kế toán trong tháng 5/2022. NHTW Anh (BOE) cũng công bố tăng lãi suất lần thứ 3. Cùng với điểm nóng xung đột Nga – Ukraine, NHTW các nước lớn đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất và kiểm soát dịch bệnh tại Trung Quốc sẽ là những điểm lưu ý trong những tháng đầu năm 2022.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng cao đạt mức trên 109.9 tỷ USD, NHNN mong muốn thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch thuộc NHNN.
- Theo thống kê gần nhất của Bộ Tài chính, có 25,171 doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong số đó, chỉ 10,125 doanh nghiệp FDI, tương đương 40.2% tổng số kinh doanh có lãi năm 2020, trong khi đó có tới 14,108 doanh nghiệp FDI, tương đương khoảng 56% tổng số kinh doanh lỗ, với số lỗ là 151,064 tỷ đồng.
- Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến, yêu cầu rà soát, đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng sân bay Long Thành. Các dự án thành phần 1,2, 4 do vướng mắc về cơ chế chính sách nên tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ. Công tác lựa chọn nhà thầu gói TV03 đã bị chậm 2 tháng so với tiến độ đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.
- Bốn tháng sau khi khai trương cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam, Việt Nam) – Dak Taook (Sekong, Lào), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Nam Giang đạt hơn 62 triệu USD năm vừa qua, tăng gấp đôi so với 2020. Tuyến vận chuyển qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Dak Taook hiện là con đường ngắn nhất kết nối Đông Thái Lan, Nam Lào với cảng quốc tế Chu Lai.
- Tổng cục Du lịch vừa tổ chức họp báo chương trình công bố thông tin về việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Toàn ngành du lịch phấn đấu thực hiện mục tiêu thu hút trên 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 40,000 tỷ đồng trong năm nay.
- Sau động thái của Fed, tại Việt Nam, ngoại trừ tỷ giá trên liên ngân hàng tăng, tỷ giá USD/VND tại các thị trường còn lại vẫn duy trì xu hướng giảm vốn có. Giá USD giao ngay bật tăng 70 VND lên 22,870 VND, tương đương tăng 0.33% so với phiên trước. Đồng thời, lãi suất USD cũng thiết lập mặt bằng mới, cao hơn trước từ 0.08 – 0.09 điểm phần trăm.
- Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng có ý kiến với UBND TP. Hải Phòng đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư 4 bến cảng số 3 – 6 thuộc Khu bến Lạch Huyện với tổng mức đầu tư khoảng 15.896 tỷ đồng, sớm thông luồng đón tàu lớn.
Thế giới
- Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, quyết định tăng lãi suất thêm 0.25 điểm phần trăm lên 0.25 – 0.5%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ tháng 12/2018. Fed dự báo tăng lãi suất 0.25 điểm phần trăm tại 6 cuộc họp còn lại trong năm nay, đồng nghĩa đưa lãi suất về khoảng 1.75 – 2%. Cơ quan này có thể tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2023 và không tăng lần nào trong năm tiếp theo.
- NHTW Trung Quốc (PBoC) đã bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính thông qua các hoạt động thị trường mở để duy trì tính thanh khoản trên thị trường. Tổng cộng 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 31 tỷ USD) đã được bơm vào thị trường thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF). Các khoản tiền này sẽ đáo hạn trong một năm với lãi suất 2.85%. Trong khi đó, PBoC đã bơm 10 tỷ nhân dân tệ vào thị trường thông qua các giao dịch repo đảo ngược trong 7 ngày với lãi suất 2.1%.
- Bộ Kinh tế Nga cho biết lạm phát tại nước này đã tăng lên mức 12.54%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2015 và cao hơn mức 10.42% ghi nhận một tuần trước, do đồng ruble mất giá đã khiến giá cả tăng vọt trước các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây. Nga vừa đây cũng mới tuyên bố đã đặt lệnh trả nợ 117 triệu USD bằng tiền lãi đáo hạn của một số lô trái phiếu quốc tế phát hành bằng đồng USD, theo đó tránh được vụ vỡ nợ trái phiếu quốc tế đầu tiên trong hơn 1 thế kỷ của Moscow.
- Trong bối cảnh lạm phát Anh đã ở mức cao nhất trong 30 năm, NHTW Anh đã thống nhất tăng 0.25 điểm phần trăm đối với lãi suất ngân hàng chính lên 0.75%. Ngân hàng hiện dự kiến lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới lên khoảng 8% trong quý 2 năm 2022 và có thể còn cao hơn vào cuối năm.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Hoạt động bán ra khối ngoại khi các NHTW tăng lãi suất.
- Diễn biến xung đột Nga – Ukraine và diễn biến kiểm soát covid của Trung Quốc.
- 22/3, CPI Nhật Bản; Tài khoản vãng lai EU.
- 23/3, CPI Anh; Doanh thu bán nhà qua sử dụng và dự trữ dầu thô Hoa Kỳ; Chỉ số niềm tin tiêu dùng EU.
- 24/3, PMI Đức, Pháp; Biên bản tiền tệ BOJ; PMI và đơn xin trợ cấp thất nghiệp Hoa Kỳ.
- 25/3, Doanh thu bán lẻ Anh; Chỉ số niềm tin tiêu dùng Hoa Kỳ.
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

