I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
TT biến động biên độ lớn, áp lực giảm điểm đang lớn dần.
Các cổ phiếu trụ cột VHM, MSN, HPG và nhóm Ngân hàng giảm điểm từ áp lực bán ròng khối ngoại trong khi hoạt động chốt lãi ở những nhóm ngành hưởng lợi tăng mạnh trước đó đã khiến VN-Index mất vùng tích lũy tích cực trong 4 tuần và giảm mạnh -2.58%. Vận động ngành vẫn được duy trì trong tuần nhưng các cổ phiếu lớn đang suy yếu nhanh là yếu tổ rủi ro ngắn hạn. Cùng với đó, FED sẽ có cuộc họp giữa tuần với khả năng cao sẽ tăng lãi suất cũng sẽ là thông tin ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Trường hợp không vượt lại SMA50 tại 1,470 điểm, VN-Index đứng trước nguy cơ hình thành vùng giá thấp từ 1,440 – 1,470 điểm trong tuần tới.
Triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15, Ngân hàng đang xin ý kiến cho dự thảo Nghị định và thông tư hướng dẫn các khoản vay quy mô 40 nghìn tỷ qua hệ thống NHTM với mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Đối tượng cho vay đề xuất doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ và phục hồi trong lĩnh vực hàng không, vận tải kho bãi, du lịch dịch vụ lưu trú, ăn uống, giao dịch, nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, phần mềm lập trình, dịch vụ thông tin, cho vay cải tạo chung cư cũ, nhà xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê. NHTM dừng hỗ trợ sau thời điểm 31/12/2023 hoặc số tiền hỗ trợ lãi suất đạt tối đa 40 nghìn tỷ

Nhà đầu tư cá nhân trong nước “ồ ạt” đổ tiền vào thị trường trong khi tổ chức trong nước và khối ngoại bán ròng mạnh.
Cụ thể, theo số liệu từ FiinPro, cá nhân trong nước mua ròng đột biến 6.530 tỷ đồng ở sàn HoSE trong tuần giao dịch từ 7-11/3, gấp 6 lần so với tuần trước, trong đó có 6.300 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
Trái ngược với cá nhân trong nước, tổ chức trong nước có tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị gấp 4 lần tuần trước và ở mức 1.193 tỷ đồng (1.200 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh).
Tương tự tổ thức trong nước, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị gấp 6,8 lần tuần trước và ở mức 5.341 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 114,5 triệu cổ phiếu. Đây là tuần bán ròng mạnh nhất của khối ngoại sàn HoSE kể từ thời điểm giữa tháng 8/2021.

TTCK Thế giới
Các thị trường dần ổn định dù vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ
Biến động ngược chiều so với tuần trước, TTCK Hoa Kỳ và Châu Á giảm điểm bình quân 2% trong khi TTCK Châu Âu tăng 2.5%. Diễn biến này đang phản ánh các yếu tố bất định về xung đột Nga – Ukraina và lo ngại tác động tăng lãi suất từ FED. Sau khi tăng trên 10% tuần trước, chỉ số hàng hóa Bcomp Index giảm lại -1.1% với mức giảm ở hầu hết mặt hàng ngoại trừ kim loại quý (+1%). Chỉ số USD Index đi ngang, đồng Rub (Nga) tiếp tục giảm 22.5%, nâng mức mất giá 46% trong 2 tuần gần nhất. Diễn biến tâm lý đã bớt tầm ảnh hưởng nhưng những hệ quả việc áp đặt trừng phạt vẫn sẽ còn tác động đáng kể lên các thị trường cũng như tiềm năng tăng trưởng kinh tế thế giới.
Trước những đòn trừng phạt từ Phương Tây, Nga cũng ban hành sắc lệnh hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng. Danh sách “quốc gia không thân thiện” sẽ bị áp các biện pháp hạn chế cũng sẽ sớm được công bố. Nga là nước xuất khẩu mạnh về dầu khí, ngũ cốc và kim loại. Thương mại với Nga bị hạn chế nghiêm trọng khi Mỹ và Eu áp đặt biện pháp trừng phạt lên NHTW Nga và các Ngân hàng lớn khác. Giá nguyên vật liệu đã giảm mạnh vào phiên 10/3 khi xuất hiện tín hiệu có thể đàm phán kết thúc cuộc chiến. Dù vậy, trạng thái trả đũa qua sẽ khiến thị trường hàng hóa còn biến động khó lường.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Theo Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm, cả nước giải ngân được trên 44,600 tỷ đồng, đạt 8.61% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ này cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5.09%). Trong đó, vốn trong nước đạt 9.22% (cùng kỳ năm 2021 đạt 5.68%), vốn nước ngoài đạt 0.20% (thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 0.38%). Hiện có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%.
- Kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021 (tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020). Đồng thời, Mỹ là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1,150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10.3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
- Dữ liệu từ cuộc họp thường kỳ Chính phủ cho thấy, tín dụng tính đến cuối tháng 2 tăng 1.82% so với cuối năm 2021, thấp hơn mức 2.74% ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay. Như vậy, dư nợ tín dụng tháng 2 đã giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng so với tháng 1.
- Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 247,970 tỷ đồng, tăng 21,773 tỷ đồng (tăng 9.6%) so với cuối năm 2020, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 209,875 tỷ đồng, tăng 15,527 tỷ đồng (tăng 8%) so với cuối năm 2020, hoàn thành 100% số kế hoạch.
- Bộ Tài chính và NHNN ký quy chế mua bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối nhằm tăng cường phối hợp trong việc điều hành thị trường ngoại hối, tạo thuận lợi cho NSNN cân đối ngoại tệ, và phục vụ cho các khoản chi NSNN bằng ngoại tệ.
- NHNN đang lấy ý kiến góp ý kiến với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận cho Tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú. Các nội dung chính được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bao gồm: Bên đi vay, Bên được bảo lãnh; Hạn mức cho vay, bảo lãnh.
- Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2,000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1,000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1,000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Thế giới
- Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, mức xuất khẩu của nước này 2 đã tăng 16.3% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, vượt mức tăng kỳ vọng 15%, nhưng giảm so với mức tăng 20.9% trong tháng 12. Nhập khẩu hai tháng đầu năm tăng 15.5%, giảm từ mức tăng 19.5% trong tháng 12 và thấp hơn mức dự báo 16.5%.
- Giá bất động sản trung bình tại Anh tiếp tục tăng thêm 0.5% trong tháng Hai, tương đương với 370 bảng/tuần. Đây là tháng thứ tám liên tiếp giá trị bất động sản tăng kể từ khi đại dịch bắt đầu, đẩy tốc độ tăng giá hàng năm lên 10.8%, con số cao nhất kể từ tháng 6 năm 2007. Giá nhà ở trung bình đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới là 278.123 bảng Anh.
- Khối EU đang điều chỉnh chiến lược năng lượng nhằm vạch ra một lộ trình chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Thông qua việc triển khai việc đẩy nhanh Greal Deal (Thoả thuận xanh), đồng thời nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) và khí đốt từ ống dẫn ngoài, EU dự báo sẽ giảm được 112 tỷ mét khối khí đốt nhập khẩu từ Nga trong 2022.
- NHTW Nga ngày 9/3 thông báo nước này sẽ ngừng giao dịch ngoại hối đến ngày 9/9. Các ngân hàng tại Nga sẽ không được phép bán ngoại tệ cho người dân, tuy nhiên, người Nga vẫn có thể đổi từ ngoại tệ sang ruble. Việc rút tiền mặt từ các tài khoản ngoại khối ở ngân hàng Nga sẽ bị giới hạn ở mức 10.000 USD đến ngày 9/9.
- NHTW châu Âu ECB sẽ kết thúc Chương trình Mua sắm Khẩn cấp trong đại dịch trị giá 1,850 tỷ euro vào cuối tháng này. Đồng thời, các giao dịch theo Chương trình Mua Tài sản (APP) sẽ có quy mô nhỏ hơn so với kế hoạch ban đầu. Hiện ECB dự kiến các giao dịch mua sắm tài sản thuộc APP đạt tổng cộng 40 tỷ euro vào tháng 4, 30 tỷ euro vào tháng 5 và 20 tỷ euro vào tháng 6.
- Mức tăng giá tiêu dùng của Hoa Kỳ đã tăng nhanh trong tháng 2 lên mức cao nhất trong vòng 40 năm, với chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 7.9% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức 7.5% tháng 1. Thước đo lạm phát tháng 2 đã tăng 0.8% so với một tháng trước đó, phản ánh chi phí xăng dầu, thực phẩm và giá nhà ở.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Cuộc họp FED vào 15-16/3 với định hướng tăng lãi suất lần đầu sau đại dịch.
- Diễn biến xung đột Nga – Ukraine và tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt Nga.
- 15/3, Biên bản chính sách tiền tệ Australia; Doanh thu bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp Trung Quốc; Chỉ số sản xuất công nghiệp và cuộc họp các Bộ trưởng tài chính EU.
- 16/3, CPI Canada; Doanh thu bán lẻ và dự trữ dầu thô Hoa Kỳ.
- 17/3, Biên bản chính sách tiền tệ FED; Biên bản chính sách tiền tệ BOE; Chỉ số sản xuất công nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp Hoa Kỳ.
- 18/3, Biên bản chính sách tiền tệ BOJ; Doanh thu bán lẻ Anh và Canada.
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

