I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Tích lũy ổn định dần chờ thông tin và sự đồng thuận của dòng tiền
Cổ phiếu Ngân hàng, nâng đỡ thị trường trong nhiều tuần qua, bất ngờ giảm điểm khiến thị trường giảm mạnh phiên đầu tuần. Dù vậy, thị trường nhanh chóng hồi phục nhờ sự tăng giá của các nhóm cổ phiếu còn lại. Tính chung tuần giao dịch, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 0.2% với 18/19 ngành tăng. Ngành Ngân hàng là ngành duy nhất giảm trên 4% trong khi một số ngành chưa hoặc tăng chậm như Du lịch và giải trí; Ô tô và phụ tùng có mức tăng mạnh lần lượt 7.5% và 4.8%. Sau mùa công bố KQKD, thị trường đang có khoảng trống thông tin trước mùa ĐHCĐ và tăng trưởng kinh tế quý I. Dù vậy, khối ngoại tích cực mua ròng trở lại đang là thông tin hỗ trợ chỉ số tiếp tục duy trì tích lũy ổn định để tạo nền tăng trưởng giá.
Báo cáo vĩ mô tháng 2 của World Bank cho thấy nền kinh tế Việt nam có nhiều tín hiệu tích cực ở các điểm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ, tăng trưởng xuất khẩu, vốn đăng ký và giải ngân FDI cùng với lạm phát trong tầm kiểm soát. World bank cũng đề cập chương trình phục hồi kinh tế tương đương 4.5% GDP triển khai 2022- 2023. Quan điểm thận trọng với khu vực tài chính, đặc biệt khủng hoảng có thể tác động chất lượng danh mục Ngân hàng và tác động tăng lãi suất của FED. Rủi ro bùng phát dịch với biến chủng ảnh hưởng kinh tế còn tồn tại trong quá trình mở cửa trường học và gỡ bỏ quy chế nhập cảnh với khách quốc tế.

Tuần giao dịch từ 14-18/2 đánh dấu biến động tích cực của khối ngoại và các tổ chức trong nước, trong khi dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch theo chiều hướng tiêu cực trở lại.
Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng trở lại 2.364 tỷ đồng ở sàn HoSE trong tuần giao dịch từ 14-18/2, trong đó có 2.110 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
Tổ chức trong nước chấm dứt chuỗi 3 tuần bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 782 tỷ đồng (711 tỷ đồng đến từ khớp lệnh). Trong đó, tổ chức trong nước không gồm tự doanh mua ròng hơn 700 tỷ đồng (618 tỷ đồng thông qua khớp lệnh).
Khối tự doanh công ty chứng khoán (CTCK) giao dịch tích cực trở lại sau 2 tuần bán ròng trước đó bằng việc mua ròng 82 tỷ đồng.
Cũng có diễn biến tích cực như tổ chức trong nước, khối ngoại sàn HoSE mua ròng trở lại 1.580 tỷ đồng.

TTCK Thế giới
TTCK các nước phát triển duy trì tiêu cực khi FED đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất
Diễn biến tiêu cực vẫn bao trùm các TTCK các nước phát triển. TTCK Hoa Kỳ có tuần giảm điểm bình quân -1.7% trong khi các nước EU và Nhật bản có mức giảm -2%. Trạng thái ảm đạm kéo dài trong 2 tuần gần đây ở các nước phát triển trong khi các nước Châu Á vận động tích cực hơn với mức tăng điểm ở hầu hết thị trường. Ở các thị trường khác cũng không có những biến động đột biến. Chỉ số hàng hóa tăng 1.6% nhưng chứng kiến sự phân hóa mạnh trong khi các kim loại đều tăng thì giá dầu và giá quặng sắt lại giảm lần lượt -2% và -3.7%. Biến động trên thị trường tiền tệ còn dè dặt hơn với mức không đổi của USD Index. Thị trường đang có vẻ chờ đợi vào những thông tin rõ ràng hơn được công bố.
Theo biên bản cuộc họp tháng 1 của FED, các quan chức nhất trí nên sớm nâng lãi suất trong bối cảnh lạm phát ngày càng tăng. Hầu hết hết nhận định nhịp độ tăng lãi suất có thể nhanh hơn chu kỳ trước. Tại kỳ họp này FED cũng bàn đến chuyện cắt giảm quy mô bản cân đối kế toán, theo đó các quan chức đồng tình giảm “đáng kể” quy mô nhưng không đưa ra lộ trình cụ thể. Biên bản công bố trong bối cảnh CPI tăng mạnh nhất trong gần 40 năm lên mức 7.5%. Các thông tin này đang được thị trường xem như việc xác nhận FED sẽ nâng lãi suất trong kỳ họp 15-16/3 tới đây.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, nhóm xây dựng phát hành thành công lượng trái phiếu doanh nghiệp có giá trị đạt 7.130 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Nhóm xếp thứ nhất là bất động sản, huy động được 14.470 tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng giá trị phát hành của tháng.
- Bộ Giao thông vận tải đang gấp rút bàn giao hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6, để sớm khởi công 3 đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam qua địa phận tỉnh Bình Định với tổng mức đầu tư 45.740 tỷ đồng.
- Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết sau kỳ nghỉ Tết, 98% người lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã trở lại làm việc. Ban Quản lý trong năm nay tập trung tham mưu xúc tiến việc thành lập và phát triển 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thu hút đầu tư tối thiểu 300-400 triệu USD.
- Chính phủ sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong năm 2 năm đối với các khoản vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng. Các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nhà nước để triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng.
- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị được bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp 41 nhà ga hành khách và hàng hóa trong giai đoạn 2022-2023 từ chương trình phục hồi với kinh phí khoảng 2.380 tỷ đồng. Năm 2022, toàn tổng công ty dự kiến thực hiện được sản lượng và doanh thu bằng 89% trở lên so với cùng kỳ, tương ứng trên 5.900 tỷ đồng, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
- Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan công bố ngày 16-2, trong tháng 1 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của Việt Nam lên đến 10,76 tỉ đô la, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, riêng Trung Quốc chiếm đến 36,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong tháng vừa qua.
Thế giới
- Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ đã điều chỉnh giảm dự báo đối với chỉ số chứng khoán S&P 500 xuống mức 4.900 điểm trong năm 2022, thấp hơn gần 4% so với mức dự báo của ngân hàng này đưa ra trước đó nhưng vẫn cao hơn 11% so với mức 4.418,64 điểm chốt phiên giao dịch ngày 11/2.
- Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố dữ liệu kinh tế quý 4/2021 với tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 1,3% so với quý trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cả năm 2021, GDP của Nhật tăng 1,7%, đánh dấu năm tăng trưởng dương đầu tiên trong 3 năm qua. Trong năm 2019 và 2020, tăng trưởng GDP nước này lần lượt là -4,5% và – 0,2%.
- Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc hạ nhiệt trong tháng 1/2022, chủ yếu do giá thực phẩm giảm 3.8% trong tháng 1/2022, vì đà lao dốc 41.6% của giá thịt heo. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 9.1% so với cùng kỳ, giảm từ mức 10.3% trong tháng 12/2021. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm lại ở mức 0.9%.
- Chỉ số giá tiêu dùng tại Anh trong tháng 1 tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,4% vào tháng 12 và cao hơn rất nhiều so với mức tăng 0,7% của tháng 1/2021. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/1992, khi chỉ số này đạt mức 7,1%. BoE dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh khoảng 7% vào tháng 4, khi cơ quan quản lý năng lượng Ofgem tăng giá trần năng lượng.
- Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết trong tháng 1/2022, doanh số bán lẻ – thước đo chi tiêu tại cửa hàng, trực tuyến và nhà hàng – tăng 3.8% so với tháng trước đó. Con số này đánh dấu tháng tăng mạnh nhất về chi tiêu bán lẻ kể từ tháng 3/2021 – thời điểm các gói hỗ trợ bắt đầu được phân phối cho người dân Mỹ.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 2/2022.
- Lịch họp ĐHCĐ các công ty niêm yết.
- 21/2, PMI EU và Anh.
- 22/2, Chỉ số PMI và niêm tin tiêu dùng Hoa Kỳ; CPI Nhật Bản.
- 23/2, Chính sách tiền tệ Anh, New Zealand; CPI lần cuối của EU.
- 24/2, Dơn xin trợ cấp thấp nghiệp, dự trữ dầu thô và GDP Hoa Kỳ.
- 25/2, GDP Đức, Pháp, Thụy Sỹ; Đơn đặt hàng lâu bền Hoa Kỳ.
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

