I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Đẩy mạnh cơ cấu, sẵn sàng cho đợt tăng điểm tiếp theo
VN-Index có phiên tăng điểm mạnh, vượt qua ngưỡng tâm lý 1,500 điểm ngay trong phiên đầu năm mới. Áp lực chốt lãi mạnh diễn ra sau đó nhưng chỉ số vẫn duy trì đà tích lũy tích cực quanh 1,525 điểm với thanh khoản khả quan. Tính chung tuần, VN-Index tăng 2% với 243 cổ phiếu tăng so với 150 cổ phiếu giảm tuy nhiên chỉ có 11/19 ngành tăng điểm. Sự phân hóa đã mạnh hơn so tuần trước mặc dù chỉ số tăng tốt. Khả năng rung lắc còn tiếp tục trong tuần tới khi thị trường đón nhận tin chính thức về gói kích cầu.
Dù vậy lực cầu mạnh ở vùng giá thấp trong tuần qua vẫn ủng hộ cho khả năng VNIndex sẽ còn tiếp tục tăng điểm sau nhịp điều chỉnh hướng tới 1,550 điểm và mở rộng lên 1,630 điểm tương đương độ dài bước sóng 3 của chu kỳ tăng giá trung hạn.
Gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đã được công bố với quy mô 347 nghìn tỷ gồm: (1) Chính sách tài khóa 291 nghìn tỷ; (2) Chính sách tiền tệ 46 nghìn tỷ và (3) Huy động từ các Quỹ tài chính 10 nghìn tỷ. Đáng lưu ý là gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các khoản vay thương mại của doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng có quy mô 40 nghìn tỷ trong 2 năm. Quy mô này sẽ có ảnh hưởng đến khoảng 10% dư nợ tín dụng của nền kinh tế trong 2 năm. Cùng với việc tiết giảm chi phí của các Ngân hàng, gói hỗ trợ này cũng sẽ góp phần giảm chi phí cho vay từ 0.5% – 1% theo định hướng của Chính phủ qua đó hỗ trợ doanh nghiệp thuộc đối tượng vượt qua khó khăn

Tương tự như tuần trước đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn giao dịch có phần tiêu cực. Tương tự, khối ngoại giao dịch tiêu cực trở lại trong khi tổ chức trong nước đóng vai trò nâng đỡ thị trường chung.
Theo dữ liệu từ FiinPro, các nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục bán ròng 506 tỷ đồng trên HoSE trong tuần đầu năm 2022, dù vậy, mức bán ròng này giảm 70% so với tuần trước. Nếu tính về khớp lệnh, giá trị bán ròng nâng lên thành 845 tỷ đồng.
Giao dịch của khối ngoại cũng biến động theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng trở lại 573 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Trái ngược với hai dòng vốn trên, tổ chức trong nước giao dịch tích cực khi mua ròng 1.080 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tuần trước đó. Trong đó, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) mua ròng trở lại 287 tỷ đồng (mua ròng 485 tỷ đồng thông qua khớp lệnh).

TTCK Thế giới
FED hướng tới đẩy nhanh tiến trình nâng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Diễn biến TTCK Hoa Kỳ tiêu cực hơn phần lớn các TTCK thế giới khi đón nhận thông tin FED có thể đẩy nhanh hơn quá trình tăng lãi suất trong năm 2022 kéo theo lợi tức trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ 10 năm tăng cao. Chỉ số Nasdaq dẫn đầu đà giảm với -3.9% do sự sụt giảm mạnh của các cổ phiếu công nghệ. Trái ngược TTCK Hoa Kỳ, các thị trường chủ chốt Châu Âu vẫn có mức tăng từ 0.9% – 1.4%. TTCK Châu Á phân hóa với biên độ hẹp. Thị trường hàng hóa biến động mạnh tuần qua với mức tăng 2.1% của chỉ số Bcom Index, dẫn dầu là mức tăng 6.9% của Dầu thô sau quyết định giữ nguyên kế hoạch nâng sản lượng từ OPEC+ và bất ổn chính trị tại Kazakhstan.
Tại kỳ họp tháng 12, FED đã giảm bớt việc mua trái phiếu và đưa thông điệp sẽ sớm nâng lãi suất sau khi kết thúc chương trình mua trái phiếu vào tháng 3/2022. Tuy nhiên thị trường vẫn chờ đợi những tín hiệu về thời điểm Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán trị giá gần 9,000 tỷ USD. Dù vậy biên bản FOMC cho thấy các quan chức Fed đang xem xét việc thu hẹp bảng cân đối kế toán cùng với việc nâng lãi suất như một cách khác để loại bỏ chính sách thích ứng. Việc thu hẹp bảng cân đối kế toán sẽ lấy đi thanh khoản và sẽ là rủi ro của thị trường. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy FED có thể quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất trong năm 2022.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô gần 347.000 tỷ đồng, thực hiện trong 2022-2023. Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách với số tiền là 240.000 tỷ đồng và cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5- 1% trong 2 năm.
- Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index – PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 52.5 điểm trong tháng 12, so với 52.2 của tháng 11, cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện tháng thứ ba liên tiếp.
- Theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư cho 729 km cao tốc Bắc – Nam có thể là 130.605 tỷ đồng, thấp hơn 16.330 tỷ so với hoạch định Chính phủ. Theo đó, dự án cần bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (81,4% tổng mức đầu tư), phần còn lại (khoảng 27.324 tỷ) sẽ được chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026-2030.
- Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 với tổng kinh phí là 3.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, chi bảo dưỡng thường xuyên hơn 2.694 tỷ đồng; chi sửa chữa định kỳ, kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2 và sửa chữa đột xuất là 260 tỷ đồng; chi phí dự phòng chưa phân bổ gần 46 tỷ đồng.
- NHNN vừa công bố kết quả tại Cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng tháng 12-2021, cho rằng các tổ chức tín dụng dự kiến tiếp tục thắt chặt mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản và sử dụng thẻ tín dụng.
Thế giới
- Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Washington và Bắc Kinh đã chính thức hết hạn vào ngày 31/12/2021, tuy nhiên Trung Quốc không thể hoàn thành cam kết mua ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ so với mức của năm 2017. Theo cơ chế giải quyết tranh chấp đã được quy định tại thỏa thuận thương mại, Mỹ có thể áp thuế quan mới hoặc khôi phục một số thuế quan cũ đối với hàng hóa Trung Quốc.
- OPEC+ sẽ thống nhất tăng sản lượng trong tháng 2 vì một số thành viên OPEC đang không thể đạt hạn ngạch khai thác được giao. Reuters trích báo cáo của OPEC+ cho rằng, biến thể Omicron mới tác động ở mức độ nhẹ và tạm thời đến lực cầu năng lượng.
- Thị trường tương lai ở Phố Wall đang đặt cược khả năng 60% Fed nâng lãi suất ngay từ tháng 3 này, và khả năng 61% Fed sẽ có thêm 2 lần nâng lãi suất nữa trong năm nay. Phản ứng của thị trường với mỗi động thái thắt chặt của Fed được dự đoán có thể đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng 2% trong năm 2022, từ mức hơn 1,7% hiện nay.
- Viện Quản lý Cung ứng ISM cho biết chỉ số hoạt động của nhà máy ở Mỹ đã giảm xuống mức 58,7 trong tháng trước từ mức 61,1 trong tháng 11, mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm trước. Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn cung đang bắt đầu giảm bớt và thước đo giá đầu vào của các nhà máy đã giảm nhiều nhất trong một thập kỷ.
- Sự gia tăng áp lực chuỗi cung ứng trong thời gian đại dịch khiến cho Chỉ số Áp lực Chuỗi cung ứng Toàn cầu (GSCPI) của Fed có độ lệch chuẩn khoảng 4,5 so với thời điểm bình thường, nghiêm trọng nhất kể từ năm 1997. Nhóm nghiên cứu của Fed New York nhận định sự đứt gãy chuỗi cung ứng, tuy vẫn ở mức cao, nhưng đã đạt đỉnh và sẽ bắt đầu giảm dần trong tương lai.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Vận động ngành và dòng tiền luân chuyển sau khi VN-Index vượt qua ngưỡng tâm lý 1,500 điểm.
- Gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế và dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông nhiều khả năng thông qua tại Kỳ họp Quốc hội bất thường khóa XV từ 4/1 – 11/1.
- 10/1, Cung tiền M2, nợ mới của Trung Quốc; Tỷ lệ thất nghiệp EU.
- 12/1, CPI và CPI lõi Hoa Kỳ; Chỉ số sản xuất xuất công nghiệp EU.
- 13/1, Chỉ số PPI và đơn xin trợ cấp thất nghiệp Hoa Kỳ.
- 14/1, GDP và chỉ số sản xuất công nghiệp Anh; GDP lần đầu Đức; Doanh thu bán lẻ và chỉ số sản xuất công nghiệp Hoa Kỳ.
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

