I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Cơ hội vượt 1,500 điểm với kỳ vọng mới trong năm 2022
Toan tính khác nhau của các lớp NĐT vào thời điểm cuối năm khiến diễn biến từng phiên của thị trường khá bất ngờ. Dù vậy, VN-Index vẫn có tuần tăng tốt 1.4%, và tiến sát ngưỡng tâm lý 1,500 điểm. Số ngành tăng điểm vẫn áp đảo với 13/19 ngành tăng và 228 cổ phiếu tăng so với 153 cổ phiếu giảm.
Ngành Ngân hàng vẫn là bệ đỡ cho chỉ số khi tiếp tục tăng 4.1%, theo sau mức tăng ngành Truyền thông và Dịch vụ tài chính lần lượt 6.6% và 4.6%. Thanh khoản có phần giảm sút sau áp lực chốt lãi mạnh từ tuần trước và tâm lý nắm giữ chờ đợi sau kỳ Nghỉ Lễ.
Tuần tới Quốc hội sẽ họp và thông tin hỗ trợ kỳ vọng sẽ giúp VN-Index kiểm tra và vượt ngưỡng tâm lý 1,500 điểm. GDP quý IV tăng 5.22% sau khi đã giảm -6.02% trong quý III qua đó đạt mức tăng 2.58% năm 2021. Khu vực công nghiệp, xây dựng, chế biến chế tạo là động lực tăng trưởng khi đóng góp 1.61% cho tăng trưởng. CPI bình quân tăng 1.84%, mức thấp nhất từ 2016. Giá vàng và USD ổn định, tăng 1% và giảm 0.58% so với tháng 12/2020.
Kinh tế vĩ mô ổn định, các yếu tố về sản xuất và tiêu dùng phục hồi trong quý IV nhưng số lượng Doanh nghiệp tham gia mới giảm 10.7% và Doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 17.8% cho thấy lực cản lớn để nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Điều này càng củng cố cho kỳ vọng gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô lớn sẽ nhanh chóng được thông qua trong kỳ họp Quốc hội từ 4/1-11/1 tới đây

Cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 8 tuần mua ròng liên tiếp bằng việc bán ròng trở lại 1.662 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó có 1.677 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
Tương tự cá nhân trong nước, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) tiếp tục bán ròng 484 tỷ đồng trong tuần cuối năm 2021, nhưng tính về khớp lệnh, dòng vốn này mua ròng trở lại 678 tỷ đồng.
Trái ngược lại với hai dòng vốn kể trên, khối tự doanh CTCK mua ròng trở lại 912 tỷ đồng trong tuần từ 27-31/12, tuy nhiến, nếu tính về khớp lệnh dòng vốn này bán ròng 312 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng 1.234 tỷ đồng ở sàn HoSE, trong đó có 1.311 tỷ đồng được mua ròng thông qua phương thức khớp lệnh.

TTCK Thế giới
Covid-19 vẫn là một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất trong năm 2022
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiếp tục giảm xuống 198 nghìn đơn, so với dự báo 205 nghìn đơn, TTCK Hoa Kỳ dù vậy vẫn giảm điểm trong phiên cuối cùng của năm kết thúc chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp. Tính chung năm 2021, S&P 500 dẫn đầu đà tăng 27%, theo sau là Nasdaq tăng 22%. Năng lượng và Bất động sản là những lĩnh vực tăng mạnh nhất 40% so với mức tăng 30% của công nghệ và tài chính trong rổ S&P500. TTCK tăng mạnh trong bối cảnh Hoa Kỳ ghi nhận 53 triệu ca nhiễm và 820 nghìn ca tử vong.
Diễn biến cũng diễn ra tương tự tại các thị trường phát triển khác. Sau năm TTCK thành công rực rõ, nhiều nhà đầu tư và chiến lược gia dự báo các điều kiện khó khăn hơn sẽ đến vào năm 2022, khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và đối phó lạm phát.
WHO ngày 29/12 cảnh báo “trận sóng thần ca nhiễm Covid-19” trên thế giới trong bối cảnh một số quốc gia Pháp và Hoa Kỳ ghi nhận số nhiễm mới lập kỷ lục. Ca nhiễm bình quân/ngày tại Hoa Kỳ trong 7 ngày gần nhất vượt 265 nghìn ca trong khi Pháp ghi nhận 208 nghìn ca. Số ca nhiễm đạt đỉnh mới và tốc độ lây nhiễm là chưa có tiền lệ. Chủng Omicron có khả năng gây bệnh nhẹ hơn chủng trước nhưng hệ thống y tế thế giới đang đối mặt với “bài kiểm tra” khắc nghiệt với số lượng ca nhiễm lớn.
Trong khảo sát Bloomberg với 700 chuyên gia đầu tư toàn cầu về những nỗi lo lớn nhất trong năm 2022. Dịch bệnh là rủi ro đứng thứ 2 sau Lạm phát với 25% số phiếu. Sau hơn 2 năm vật lộn với Covid, số ca nhiễm tăng mạnh với chủng Omicron vào cuối năm 2021 thì dịch bệnh vẫn là yếu tố không thể coi nhẹ trong năm 2022

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Tổng Cục Thống kê vừa công bố các số liệu trọng điểm của quốc gia trong Báo cáo tình hình Kinh tế – Xã hội quý IV và năm 2021 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2021 ước tính tăng 5.2 % so với cùng kỳ năm trước. Bình quân cả năm 2021, GDP của Việt Nam tăng 2.58%. Bình quân năm 2021 CPI tăng 1.84% so với bình quân năm 2020, mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0.81% so với bình quân năm 2020.
- Chính phủ Việt Nam và World Bank vừa ký hiệp định tín dụng trị giá 221,5 triệu USD thông qua Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) để hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19, với các điều khoản ưu đãi trong thời hạn 30 năm với thời gian ân hạn là 5 năm.
- Theo số liệu Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khả quan và đồng đều trên phạm vi cả nước, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Đông Nam bộ.
- Phó Thống đốc NHNN cho biết nợ xấu nội bảng đến thời điểm hiện tại vẫn tăng 1,9%, tương đương tăng 0,21% so với hồi đầu năm; Nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC chưa xử lý là 3,79%. Thậm chí nếu tính cả nợ tiềm ẩn đã được cơ cấu theo Thông tư 01, 03 và 14 khoảng 8,2%.
- Có 5 nước và vùng lãnh thổ đã thống nhất với kế hoạch nối lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ của Việt Nam. Bộ Giao thông đề xuất tăng tần suất chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan
Thế giới
- Bất chấp ảnh hưởng của mối quan ngại về biến chủng Omicron, doanh số bán hàng trong mùa mua sắm nghỉ lễ tại Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lớn nhất 17 năm. Kết quả ấn tượng trên được thúc đẩy chủ yếu bởi nhu cầu mua quần áo và đồ trang sức của người Mỹ, với doanh số bán quần áo tăng 47%, trang sức tăng 32% và đồ điện tử tăng 16%.
- NHTW Trung Quốc bơm thêm 200 tỷ nhân dân tệ (31 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua hợp đồng mua lại đảo ngược 7 ngày. Động thái này diễn ra sau khi một chỉ số về chi phí vay ngắn hạn tăng mạnh nhất 1 năm hôm 27/12 – dấu hiệu cho thấy thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đang thiếu.
- Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phê chuẩn thành luật đối với Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng (NDAA) cho năm 2022, qua đó phê duyệt khoản ngân sách 770 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng. NDAA 2022 tăng hơn 5% so với năm trước, gồm các khoản chi trả cho việc tăng 2,7% lương cho quân nhân, mua sắm thêm máy bay và tàu chiến bên cạnh việc xây dựng các chiến lược đối phó với những nguy cơ địa chính trị.
- Theo dữ liệu của Refinitiv, trong năm 2021, các công ty trên toàn cầu đã huy động số tiền kỷ lục 12.100 tỷ USD thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vay nợ mới. Lượng tiền mặt của doanh nghiệp toàn cầu đã tăng gần 17% so với năm 2020 – vốn đã là một năm kỷ lục, và tăng gần 25% so với mức năm 2019.
- Các NHTW trên khắp thế giới đang đẩy mạnh tích trữ vàng trong kho dự trữ ngoại hối, nâng lượng vàng dự trữ trong năm 2021 lên cao nhất trong 31 năm qua. Tính đến số liệu cập nhật gần nhất, tổng dự trữ đạt khoảng 36.000 tấn, cao nhất kể từ năm 1990 và tăng 15% so với 10 năm trước.
- PBoC vạch ra kế hoạch đầu tư đa dạng hơn vào dự trữ ngoại hối khoảng 3,2 nghìn tỷ USD, bao gồm 1,06 nghìn tỷ USD tín phiếu kho bạc Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ tăng độ co giãn của tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 12 và năm 2011. Dự báo của các tổ chức về kinh tế Việt Nam.
- Kỳ họp Quốc hội bất thường khóa XV từ 4/1 – 11/1 thông qua một số điều sửa đổi Luật đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật tiêu thụ đặc biệt, … và đặc biệt xem xét gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế và dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
- 3/1, PMI EU và Hoa Kỳ.
- 4/1, PMI Trung Quốc, Nhật Bản; Cuộc họp OPEC.
- 5/1, Thay đổi bảng lương phi nông nghiệp, PMI dịch vụ và Dự trữ dầu thô Hoa Kỳ.
- 6/1, Biên bản cuộc họp FOMC.
- 7/1, Doanh thu bán lẻ EU; Tỷ lệ thất nghiệp Canada; Tỷ lệ thất nghiệp Hoa Kỳ
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

