I. VIỆT NAM VÀ NHỮNG CON HỔ CHÂU Á

Bốn con hổ châu Á bao gồm: Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc đã khẳng định được vị thế và giá trị của mình trên bản đồ kinh tế thế giới theo những chiến lược phát triển khác nhau. Trong giai đoạn đầu, các nước này đều chú trọng vào việc thu hút vốn FDI, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa/dịch vụ đồng thời đẩy mạnh nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước… đây cũng là điều mà nền kinh tế Việt Nam đã và đang thực hiện. Dựa trên cơ cấu và chiến lược phát triển kinh tế có thể chia 4 con hổ này thành 2 nhóm:
Nhóm 1: Hong Kong và Singapore
- Đây là 2 quốc gia có quy mô dân số thấp (Hong Kong trên 7,4 triệu người; Singapore gần 6 triệu người) nhưng lại có sự phát triển đáng ngưỡng mộ khi thành công trong việc định vị mình là nhà cung cấp dịch vụ cao cấp, trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu tại khu vực châu Á
- Cả 2 quốc gia đều hướng đến một nền kinh tế dịch vụ, tài chính cao cấp, trong khi Hong Kong được coi là cửa ngõ để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc thì Singapore được xem là cửa ngõ để tiếp cận thị trường ASEAN.
Nhóm 2: Hàn Quốc và Đài Loan
- Với quy mô dân số trung bình (Hàn Quốc gần 52 triệu người; Đài Loan trên 23 triệu người) *, 2 quốc gia này đã xây dựng chiến lược phát triển dựa vào ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo khi Hàn Quốc hiện nay đã trở thành là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và Đài Loan là quốc gia có công suất lớn nhất về chế tạo chất bán dẫn.
- Khác biệt so với sự phát triển của Hàn Quốc khi phụ thuộc vào các “Chaebol”, nền kinh tế Đài Loan hướng đến việc kiến tạo cho các doanh nghiệp tư nhân – đặc biệt khối Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
II. TTCK VIỆT NAM – SỰ KHỞI ĐẦU CỦA XU THẾ TĂNG TRONG TƯƠNG LAI

Thị trường chứng khoán tại Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc
- GDP bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 2017 – 2021 là 2,958 – 3,743USD tương ứng Hong Kong giai đoạn 1975 – 1979 và Hàn Quốc giai đoạn 1983 – 1987.
- Tùy thuộc vào tình hình chính trị và chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, khi GDP bình quân đầu người vượt mốc 3.500USD thì TTCK sẽ bước vào xu hướng phát triển. Có thể thấy trong giai đoạn 1979 – 1983 của Singapore khi chỉ số vượt mốc 5,500 USD thì vốn hóa TTCK lại sụt giảm. Điều này càng thể hiện rõ nét về chất lượng của TTCK cùng sự định hướng đúng đắn của Chính phủ sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển thị trường bền vững, tránh bỏ lỡ những “thời điểm vàng” của nền kinh tế
Điểm tương đồng giữa TTCK Việt Nam và Đài Loan
Với quy mô dân số trên 97 triệu người, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư FDI đồng thời nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho khối Doanh nghiệp tư nhân, SMEs – tương tự với chiến lược Đài Loan đã và đang thực hiện. TTCK Việt Nam đang có nhiều điểm tương đồng với Đài Loan giai đoạn 1986-1988 so với 3 con hổ còn lại.
- Giá trị vốn hóa TTCK/GDP: Giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam trong hơn 5 năm (2016 – 2021) qua đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ 43.73% (2016) lên 91.31% (2021), con số khá tích cực khi so sánh với Đài Loan giai đoạn 1986-1988.
- Tỷ lệ tài khoản GDCK: Dù chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán (năm 2021 có hơn 1,3 triệu tài khoản mở mới) nhưng số lượng tài khoản mới chỉ chiếm khoảng 4.15% dân số, con số này cao hơn so với tỷ lệ của Đài Loan vào năm 1987. Với mục tiêu của Chính phủ Việt Nam phấn đấu số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% vào năm 2030, trong bối cảnh hiện nay thì mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được
Đánh giá
Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, TTCK Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của một bộ phận người dân trong bối cảnh lãi suất huy động thấp và tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Đi cùng với sự phát triển của thị trường, nhận thức của thế hệ nhà đầu tư mới cũng dần được cải thiện – điều quan trọng để thị TTCK thực sự là một kênh đầu tư hấp dẫn cho người dân.
Tuy nhiên để TTCK Việt Nam phát triển bền vững và tận dụng tốt điểm khởi đầu của xu thế tăng trưởng, TTCK Việt Nam rất cần những công ty chất lượng tham gia cùng với đó là đường lối chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ trong việc phân bổ nguồn lực kinh tế hợp lý, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như kiến tạo, quản lý và giám sát thị trường tài chính nói riêng và kinh tế vĩ mô theo hướng bền vững – điều mà 4 con hổ châu Á đã thực hiện thành công trong giai đoạn đã qua.
