I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
Thị trường đi ngang chờ thông tin hỗ trợ và kỳ vọng mới trong năm 2022.
Nhịp rung lắc đã diễn ra sau một chuỗi ngày êm ả, VN-Index giảm mạnh với thanh khoản kỷ lục trong phiên 23/12 từ áp lực chốt lãi và bán tháo tại một số dòng cổ phiếu nóng. Dù vậy lực cầu bắt đáy vẫn mạnh ở vùng giá thấp và đẩy chỉ số quay lại vùng tích lũy 1,460 – 1,480 điểm. Tính chung tuần giao dịch, VN-Index giảm nhẹ -0.2% cùng 12/19 ngành giảm điểm và số lượng cổ phiếu giảm áp đảo 233/158 cổ phiếu tăng. Đáng chú ý là sự trở lại của dòng cổ phiếu Ngân hàng trong phiên giao dịch cuối tuần hỗ trợ mạnh mẽ cho đà hồi phục chỉ số. Nhóm cổ phiếu này vẫn đang là bệ đỡ của thị trường khi chưa có thông tin hỗ trợ và các ý tưởng đầu tư mới rõ nét.
Với những toan tính khác nhau vào thời điểm cuối năm, cơ hội cho biến động lớn khó xảy ra, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục vận động đi ngang vào tuần cuối của năm. Cuộc họp Ủy ban thường vụ Quốc Hội (UBTVQH) kết thúc giữa tuần với một số nội dung nổi bật:
- Thông qua 3 nội dung cơ bản trình kỳ họp Quốc hội bất thường vào đầu tháng 1/2022;
- Cho ý kiến đợt 1 với giải pháp gói tài khóa và tiền tệ, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Nội dung chờ ý kiến Bộ chính trị và UBTVQH sẽ có buổi họp lần 2 trong tháng 12;
- Chủ trương đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 bằng hình thức đầu tư công.
Dựa vào thông tin trên, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội sẽ được xem xét thông qua đầu tháng 1. Hoạt động đầu tư công sẽ đẩy nhanh nhờ giải ngân vốn nhà nước tại cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục để lại dấu ấn khi duy trì đà mua ròng dù không còn quá mạnh như ở tuần trước, trong khi đó, tổ chức trong nước và khối ngoại đều bán ròng và gây ra những áp lực đáng kể lên thị trường chung.
Theo dữ liệu của FiinPro, cá nhân trong nước có tuần mua ròng thứ 8 liên tiếp ở sàn HoSE nhưng giá trị giảm 63% so với tuần trước đó và ở mức 880 tỷ đồng. Tính chung cả 8 tuần vừa qua, các cá nhân trong nước mua ròng tổng cộng 21.478 tỷ đồng. Nếu tính về giao dịch khớp lệnh, dòng vốn này mua ròng 1.392 tỷ đồng.
Trái ngược với cá nhân trong nước, tổ chức trong nước tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng với 524 tỷ đồng (tăng 11% so với tuần trước), trong đó có 941 tỷ đồng nếu tính theo phương thức khớp lệnh. Tính riêng tổ chức trong nước (không gồm tự doanh), dòng vốn này bán ròng trở lại 455 tỷ đồng (600 tỷ đồng nếu tính theo khớp lệnh).
Khối tự doanh công ty chứng khoán (CTCK) bán ròng nhẹ 68 tỷ đồng ở tuần từ 20-24/12, giảm 94% so với giá trị bán ròng của tuần trước đó. Đây cũng là tuần bán ròng thứ 4 của khối tự doanh với tổng giá trị 1.872 tỷ đồng.
Tương tự tổ chức trong nước, khối ngoại bán ròng 357 tỷ đồng ở sàn HoSE, giảm 82% so với giá trị bán ròng của tuần trước đó.

TTCK Thế giới
Chính sách tiền tệ của NHTW Trung Quốc (PBoC) đi ngược lại xu hướng thắt chặt của thế giới.
Thông tin sự lây lan biến thể Omicron vẫn là tâm điểm thị trường thế giới tuần qua, TTCK thế giới có những phiên giảm mạnh sau đó lại hồi phục với những thông tin tích cực khi biến thể vào Hoa Kỳ có nguy cơ nhập viện thấp hơn biến thể khác, và các dữ liệu cho thấy kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng tích cực với xu hướng lao động và chi tiêu cải thiện.
Các thị trường chủ chốt có mức tăng từ 1%-3%. Thị trường hàng hóa cũng hồi phục với mức tăng 1.9%, chủ yếu từ tăng giá các mặt hàng nông nghiệp (Đậu tương, Lúa Mì); nguyên liệu (Đồng, Nhôm, Quặng Sắt) trong khi USD Index đi ngang với hồi phục của một số đồng nội tệ khu vực và khu vực mới nổi.
Đi ngược với xu hướng trung hòa chính sách tiền tệ của thế giới, NHTW Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất kỳ hạn 1 năm từ 3.85% xuống 3.8%. Đây là lần đầu PBoC giảm lãi suất cho vay kể từ 4/2020 và sau khi tổ chức này giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần 2 cách đây 1 tuần. Điều này cho thấy PBoC chuyển sang chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ do tăng trưởng kinh tế bị suy yếu từ các biện pháp kiểm soát dịch, tiêu dùng giảm sút và quy định siết chặt trong lĩnh vực BĐS.
Thực trạng nền kinh tế và các chính sách điều hành giữa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Với thay đổi chính sách từ PBoC, SBV nhiều khả năng sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt và cởi mở hơn trong năm 2022 trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế và tạo động lực tăng trưởng cho giai đoạn 2021 – 2025.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có Quyết định số 2006/QĐ-NHNN Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
- Từ đầu tháng 12 tới nay, Kho bạc Nhà nước đã ra 3 lần thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại, với tổng khối lượng mua vào dự kiến là 800 triệu USD. Với loại hình giao dịch giao ngay và giá mua vào niêm yết trên NHNN là 22.650 VND/USD, lượng tiền VND được bơm ra NHTM tương đương là 18.120 tỷ đồng. Lũy kế từ tháng 10/2021 đến nay, KBNN đã có 5 đợt chào mua ngoại tệ từ các ngân hàng với tổng khối lượng 1,2 tỷ USD.
- Lãi suất tiết kiệm tăng ở một số ngân hàng nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư để có thể đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác của ngân hàng trong giai đoạn cuối năm. Hiện mức lãi suất cao nhất trên thị trường là 7,4%/năm, không yêu cầu số tiền gửi lớn. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng cũng đang có chung diễn biến tăng.
- Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, kế hoạch 3 năm 2022- 2024. Cụ thể, năm tới dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 4% GDP, tính chung 3 năm (2022-2024), tổng thu ngân sách Nhà nước dự kiến khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, chi khoảng 5,8 triệu tỷ đồng, nợ công đến năm 2024 khoảng 43- 44% GDP.
- Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước thông tin rằng các cục dự trữ nhà nước khu vực thực hiện xuất cấp hơn 253.300 tấn gạo, giá trị trên 2.900 tỷ đồng và xuất cấp vật tư, trang thiết bị có tổng giá trị 142 tỷ đồng cho các địa phương để hỗ trợ người dân.
Thế giới
- Ba nhóm nghiên cứu riêng biệt ở 2 lục địa đã phát hiện ra rằng các ca nhiễm biến chủng Omicron thường dẫn đến triệu chứng nhẹ hơn so với những biến chủng cũ. Điều này nhen nhóm hy vọng việc tỷ lệ mắc tăng vọt như hiện tại không gây ra hệ quả quá thảm khốc như giới khoa học lo ngại.
- Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hạ lãi suất cho vay tiêu chuẩn (LPR) kỳ hạn 1 năm từ 3,85% về 3,8%. LPR kỳ hạn 5 năm vẫn giữ nguyên ở 4,65%. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng này hạ lãi suất, kể từ khi dịch COVID bùng phát năm 2020.
- Ngày 22/12, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu điều chỉnh cho thấy tăng trưởng kinh tế nước này trong quý III đạt 2,3%, cao hơn mức dự báo 2,1% đưa ra trước đó.
- Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã cải thiện trong tháng 12, tăng lên 115,8 trong tháng này từ mức 111,9 vào tháng 11. Kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng trong 12 tháng tới đã giảm xuống 6,9% từ mức cao nhất trong hơn 13 năm là 7,3%. Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ cho biết doanh số bán nhà đã tăng 1,9% lên 6,46 triệu căn, song nguồn cung còn eo hẹp dẫn tới giá nhà tăng cao và lãi suất thế chấp tăng. Giá nhà hiện tại trung bình tăng 13,9%, với tỷ lệ người mua lần đầu chiếm 26% doanh số bán hàng, giảm từ ngưỡng 32% của cùng kỳ năm trước.
- Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg đã công bố hơn 241 triệu đô la tài trợ cho 25 dự án cải thiện các cơ sở cảng ở 19 tiểu bang và một số vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ để giải quyết các thách thức chuỗi cung ứng tại các cảng.
- Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật cấm hầu như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương trừ khi các công ty có thể chứng minh được họ không dùng tới các lao động bị cưỡng bức trong sản xuất.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 12 và năm 2011.
- 27/12, Doanh số bán lẻ Nhật Bản.
- 28/12, Tỷ lệ thất nghiệp Nhật Bản.
- 29/12, Cán cân thương mại, Doanh thu nhà qua sử dụng và Dự trữ dầu thô Hoa Kỳ.
- 30/12, Đơn xin trợ cấp thất nghiệp và chỉ số PMI Chicago
của Hoa Kỳ. - 31/12, Chỉ số PMI Trung Quốc.
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

