I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI VÀ DỰ BÁO TUẦN MỚI

TTCK Việt Nam
VN-Index quay lại vùng tích lũy 1,460 – 1,480 điểm, vận động dòng tiền tích cực
Thị trường duy trì tăng điểm tuần thứ 2 liên tiếp, quay trở lại vùng tích lũy đỉnh 1,460 – 1,480 điểm với thanh khoản cải thiện. Tính chung tuần giao dịch, VN-Index tăng 1.1% tuy nhiên đà tăng chỉ tập trung vào phiên đầu tuần và giằng co đi ngang trong 4 phiên còn lại. HĐTL đáo hạn và các ETFs cơ cấu danh mục quý IV đã kìm hãm đà tăng ở các cổ phiếu có quy mô lớn và dòng tiền nhanh chóng tìm cơ hội tại các lớp cổ phiếu vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao.
Thị trường duy trì độ rộng tích cực với 9/12 ngành với nhiều nhóm ngành nhỏ như Ô tô phụ tùng, Xây dựng và Bất động sản có mức tăng từ 3.7 – 7.7%. Mặc dù chưa thể vượt 1,480 điểm, diễn biến luân chuyển nhanh của dòng tiền trong tuần qua vẫn khá tích cực. Chúng tôi cho rằng sau những phiên tích lũy, VN-Index sẽ có chuyển biến rõ rệt hơn kiểm tra các vùng tâm lý 1,500 điểm.
Ngân hàng thế giới và HSBC nhận định lạc quan về kinh tế Việt nam. HSBC dự báo tăng trưởng Việt nam ở mức 6.8% năm 2022 thì báo mới nhất WB nhận định tình hình kinh tế Việt cải thiện và phục hồi mạnh mẽ. WB khuyến nghị Chính phủ cần hỗ trợ chính sách tài khóa để thúc đẩy nhu cầu khu vực tư nhân phục hồi kinh tế. Trước đó báo cáo ADB cho thấy khoảng 90% số lao động Việt Nam mất việc làm đã ngừng tìm việc làm mới. Chính sách hỗ trợ người lao động là cần thiết thời điểm hiện tại.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch tích cực hơn và có đóng góp quan trọng trong việc nâng đỡ thị trường chung. Tương tự là các tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) cũng giao dịch tích cực trở lại. Trong khi đó, cả khối ngoại và tự doanh công ty chứng khoán đều giao dịch tiêu cực.
Theo dữ liệu của FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tuần mua ròng thứ 7 liên tiếp trên HoSE với giá trị gấp 4,5 lần tuần trước và ở mức 2.400 tỷ đồng, trong đó có 1.632 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Tính chung cả 7 tuần vừa qua, dòng vốn này mua ròng tổng cộng 20.598 tỷ đồng.
Bên cạnh các cá nhân trong nước, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng 637 tỷ đồng ở sàn HoSE (mua ròng 671 tỷ đồng thông qua khớp lệnh).
Trái ngược hoàn toàn với cá nhân và tổ chức trong nước (không gôm tự doanh), khối ngoại bán ròng trở lại 1.930 tỷ đồng ở sàn HoSE, tương ứng khối lượng bán ròng là gần 63 triệu cổ phiếu.
Đối với khối tự doanh, dòng vốn này bán ròng hơn 16,2 triệu cổ phiếu, dù vậy, nếu xét về giao dịch khớp lệnh thì khối này bán ròng 246 tỷ đồng. Đây cũng là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp của dòng vốn này với tổng giá trị 1.800 tỷ đồng.

TTCK Thế giới
TTCK Hoa Kỳ bật tăng sau quyết định thu hẹp chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất năm 2022.
Quyết định giảm tốc độ mua trái phiếu và tăng lãi suất phù hợp với những tuyên bố gần đây FED và cũng nằm trong dự báo của thị trường nên mức độ ảnh hưởng đến thị trường không lớn. TTCK Hoa Kỳ bật tăng từ mức giá thấp và giữ đà tăng nhẹ trong tuần. TTCK Châu Âu và Châu Á cũng tăng giảm trái chiều với biên động hẹp. Chỉ số USD Index cũng gần như không thay đổi cho dù USD lại tăng giá 0.4% – 0.7% so với các đồng tiền khu vực như VND, PHP và THB. Chỉ số hàng hóa Bcom Index cũng không thay đổi. Một vài mặt hàng biến động mạnh gồm giá Thịt heo và Quặng sắt tăng lần lượt 10.9% và 8.4% trong khi giá gas tự nhiên giảm -5.1%.
Trong cuộc họp cuối cùng năm 2021, FED mạnh tay giảm tốc độ mua trái phiếu và dự báo tăng lãi suất 3 lần lên khoảng 0.9% năm 2022, 2 lần trong năm 2023 và 2 lần nữa trong năm 2024 (Phụ lục 10). FED hạ dự báo tăng trưởng 2021 từ 5.9% xuống 5.5% nhưng nâng dự báo tăng trưởng 2022 từ 3.8% lên 4%. Cùng với đó, FED bỏ cụ từ ám chỉ lạm phát chỉ tạm thời và nâng dự báo lạm phát từ 4.2% lên 5.3% năm 2021 và dự báo 2.6% năm 2022. ECB cũng thông báo giảm tốc độ mua tài sản PEPP từ quý I và kết thúc vào tháng 3/2022. NHTW Anh cũng là NHTW lớn đầu tiên tại Châu Âu tăng lãi suất cơ bản từ 0.1% lên 0.25% giữa lúc lạm phát tăng cao. Động thái từ NHTW các nước lớn đang cho thấy kỷ nguyên bơm tiền đã đi vào giai đoạn cuối và quá trình trung hòa chính sách tiền tệ đang được đẩy nhanh.

II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Hiệp định song phương Việt Nam – Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội được ký kết nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động 2 nước khi làm việc tại nước sở tại. Mức hưởng chế độ mà Quỹ BHXH của mỗi nước chi trả cho người lao động khi về hưu sẽ căn cứ vào thời gian và mức đóng mà người lao động đã đóng vào quỹ đó.
- Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, mới đây cho biết thu ngân sách nhà nước thực hiện 11 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.389,2 ngàn tỉ đồng, bằng 103,4% so với dự toán và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020.Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 98,5% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 109,5% dự toán.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có quyết định ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng loạt dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông tại nhiều tỉnh trong năm 2022.
- Kim ngạch xuất nhập khẩu chạm mức 602 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 301,7 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu năm sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, giúp Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
- Bộ Tài chính mới đây cho biết sẽ sửa quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 3 quý đầu năm không thấp hơn 75% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
- Kiều hối về Việt Nam năm nay dự kiến đạt hơn 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và thuộc top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất. Lượng kiều hối ghi nhận về các nước thu nhập thấp và trung bình cũng tăng hơn 7%, lên mức 589 tỷ USD trong năm nay.
Thế giới
- Fed quyết định giữ lãi suất cận 0% sau cuộc họp chính sách trong hai ngày 14 – 15/12. Chương trình mua trái phiếu dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2022, theo đó, lãi suất dự kiến sẽ tăng lần lượt 3 lần 2022, 2 lần 2023 và 2 lần 2024.
- Thượng viện và Hạ viện Mỹ lần lượt thông qua thông qua dự luật nâng trần nợ công thêm 2.500 tỷ USD lên 31.400 tỷ USD trong nỗ lực ngăn chặn kịch bản Chính phủ Mỹ vỡ nợ. Theo Reuters, động thái này cũng chấm dứt nhiều tháng đối đầu giữa hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa về vấn đề ngân sách.
- Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết mức nợ toàn cầu đã tăng 28.000 tỷ USD, lên 226.000 tỷ USD vào năm 2020, mức tăng mạnh nhất trong một năm kể từ Thế chiến thứ hai và phần lớn tập trung ở các nước giàu hơn.
- Bất đồng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn và các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) có khả năng bị đưa ra khỏi thị trường này trong ba năm tới.
- Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thông báo nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, nâng lãi suất cơ bản từ 0.1% lên 0.25% giữa lúc lạm phát ngày càng tăng.
- Theo báo cáo mới nhất công bố ngày 15/12, Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết doanh số bán lẻ trong tháng 11 của nước này chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 4,9% của tháng trước đó và không cao như kỳ vọng của thị trường
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Dòng tiền tích cực, vận động luân chuyển dòng tiền trong vùng tích lũy đang mang lại cơ hội đầu cơ ngắn hạn.
- Thông tin kinh tế vĩ mô; nhận định và dự báo của các tổ chức quốc tế.
- 21/12, Biên bản chính sách tiền tệ NHTW Australia; Chỉ số niềm tin tiêu dùng EU; Doanh số bán lẻ Canada.
- 22/12, GDP công bố lần cuối của Anh và Hoa Kỳ; Chỉ số niềm tin tiêu dùng, dự trữ dầu thô và doanh thu nhà qua sử dụng Hoa Kỳ.
- 23/12, Thống đốc BOJ phát biểu; GDP Canada; Đơn đặt hàng lâu bền và đơn xin trợ cấp thất nghiệp Hoa Kỳ.
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

