I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI
TTCK Việt Nam
Phiên rung lắc mạnh cuối tuần đe dọa vùng tích lũy 1,460 – 1,480 điểm kéo dài 2 tuần của VN-Index.
Thị trường tiếp tục có những phiên tăng giảm điểm xen kẽ dù vậy những phiên giảm điểm đang dần chiếm ưu thế. VN-Index đang đứng trước nguy cơ mất vùng tích lũy 1,460 – 1,480 điểm trước áp lực chốt lãi mạnh và thanh khoản tăng liên tục đạt mốc kỷ lục. Áp lực tâm lý có phần giảm bớt khi nhóm Ngân hàng đóng vai trò là trụ đỡ thu hẹp đà giảm trước khi chỉ số áp sát ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1,423 điểm.
Trong tuần qua, thị trường phân hóa mạnh và dòng tiền tục tiếp vận động mạnh vào nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao trong khi các cổ phiếu lớn suy yếu cho thấy dấu hiệu kém bền vững. Diễn biến thị trường trong ngắn hạn đang chuyển biến xấu và khó lường dù vậy khi gói hỗ trợ kinh tế chưa được công bố thì đợt điều chỉnh của thị trường dự báo mang tính ngắn hạn và cơ hội canh mua các cổ phiếu cơ bản tốt ở nhịp điều chỉnh vẫn còn phù hợp.
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu về việc phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và thanh khoản thị trường, trong đó thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP (điều chỉnh) năm 2025, và 110% GDP năm 2030.
Nâng cấp các Sở, Trung tâm lưu ký, đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán mục tiêu đưa Việt Nam là một trong 4 thị trường lớn trong khu vực ASEAN và hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn MSCI, FTSE.
Trong 2 năm phát triển mạnh mẽ gần đây các chỉ tiêu quy mô vốn hóa/GDP có thể sớm đạt được nhưng để nâng hạng thị trường sẽ cần nhiều thay đổi đáng kể về công nghệ và các sản phẩm hỗ trợ của các cơ quan điều hành trong thời gian tới.
Tương tự như tuần trước, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn đổ vào thị trường trong khi tổ chức và khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng.
Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước tại tuần 15-19/11 mua ròng tuần thứ 3 liên tiếp với giá trị đạt 3.158 tỷ đồng (giảm nhẹ 5,7% so với tuần trước), đây cũng là tuần thứ 3 liên tiếp cá nhân trong nước mua ròng trên 3.000 tỷ đồng. Nếu xét về khớp lệnh thì giá trị mua ròng ở mức 3.092 tỷ đồng. Tính chung cả 3 tuần vừa qua, dòng vốn này mua ròng tổng cộng 9.586 tỷ đồng.
Trái ngược với cá nhân trong nước, tổ chức trong nước có tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị ở mức 1.975 tỷ đồng (giảm 6,2% so với tuần trước). Trong đó, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) bán ròng 1.193 tỷ đồng (giảm 36%), còn nếu chỉ tính khớp lệnh, giá trị bán ròng giảm xuống còn gần 820 tỷ đồng.
Đối với khối tự doanh của các CTCK, giá trị bán ròng là 782 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tuần trước đó. Nếu chỉ tính về khớp lệnh thì dòng vốn tự doanh sàn này bán ròng 442 tỷ đồng, tăng vọt so với mức chỉ 5 tỷ đồng của tuần trước. Như vậy, khối tự doanh đã bán ròng trong 3 tuần liên tiếp với tổng giá trị 2.668 tỷ đồng (1.448 tỷ đồng đến từ khớp lệnh).
Tương tự như dòng vốn của các cổ tức trong nước, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp trên HoSE với giá trị giảm 5% so với tuần trước đó và ở mức 1.183 tỷ đồng. Nếu tính về giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này bán ròng hơn 1.831 tỷ đồng.

TTCK Thế giới
Hoa Kỳ công bố chủ tịch FED cho nhiệm kỳ mới
TTCK các nước phát triển có sự phân hóa trước những thông tốt xấu đan xen. Lạm phát tiếp tục vẫn là vấn đề thời sự khi sau Mỹ, dữ liệu CPI Anh tháng 10 tăng 4.2%, mức cao nhất trong 10 năm. Biến động lạm phát tiếp tục thúc đẩy đà tăng USD Index tăng tuần thứ 4 liên tiếp và ghi nhận mức tăng 2.4% trong 1 tháng. Sau nhịp tăng mạnh, các kim loại quý điều chỉnh lại với vàng (-0.9%), bạc (- 2.2%).
Tuần tới sự kiện chỉ định Chủ tịch FED là yếu tố ảnh hưởng đến thị trường Hoa Kỳ và CK toàn cầu.
Tổng thống Biden đã ký gói kích thích kinh tế cơ sở hạ tầng 1,200 tỷ trong khi gói hỗ trợ an sinh 1,750 tỷ đang được tiếp tục thảo luận. Gói hỗ trợ an sinh dự kiến bỏ phiếu thông qua ngày 30/11. Đây 2 trụ cột chính trong chương trình kinh tế Biden và là nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông và điện lưới quốc gia sau nhiều năm thất bại.
Cùng với đó, thông tin Tổng thống Hoa Kỳ dự kiến công bố chủ tịch FED cuối tuần cũng không chỉ giới đầu tư Hoa Kỳ mà cả thế giới quan tâm. Nhiệm kỳ chủ tịch FED sẽ kết thúc vào tháng 2/2022. Dưới dẫn dắt ông Powell, định hướng FED đã có thay đổi đáng kể khi tập trung vào mục tiêu toàn dụng nhân công, đồng thời cho phép lạm phát vượt mức 2%. FED cũng đặt ra khuôn khổ chính sách mới năm 2020 cho phép cơ quan này tự quyết định thời điểm giảm quy mô kích thích kinh tế. Do vậy việc lựa chọn ông Powell ở lại để duy trì nhất quán chính sách hiện tại có ý nghĩa quan trọng với NĐT.
II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Việt Nam đã tiếp nhận 135 triệu liều vaccine và dự kiến có thể tiếp nhận trên 190 triệu liều đến hết năm, vượt mục tiêu 150 triệu liều đã đề ra. Đến 13h ngày 15/11, tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm ít nhất một mũi đạt trên 87%, tiêm 2 mũi đạt gần 47%.
- Ngân hàng Nhà nước vừa công bố những kết quả liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất. Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 550.000 tỷ đồng.
- Chính phủ sẽ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc lập Quỹ phòng chống Covid-19, trên cơ sở Quỹ vaccine. Quỹ vaccine Covid-19 được Chính phủ thành lập từ tháng 5/2021, do Bộ Tài chính quản lý. Đến ngày 16/11, Quỹ vaccine Covid-19 huy động được 8.795 tỷ đồng; đã chi 7.597 tỷ; còn dư 1.198 tỷ.
- Chính phủ đề xuất đầu tư các đoạn cao tốc Hà Tĩnh – Quảng Trị, Quảng Ngãi – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau từ năm 2021, cơ bản hoàn thành vào năm 2025.Để bảo đảm sớm hoàn thành dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần với tổng mức đầu dạt khoảng 146,990 tỷ đồng.
- Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sẽ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và thanh khoản thị trường, trong đó thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP (điều chỉnh) năm 2025, và 110% GDP năm 2030… Đối với trái phiếu, hướng tới mục tiêu 47% GDP năm 2025, và 58% GDP năm 2030.
Thế giới
- Tổng thống Biden đã ký dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đô la để sửa chữa cầu đường cũ, nâng cấp hệ thống mạng lưới điện và mở rộng băng thông internet.
- Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trách nhiệm của hai nhà lãnh đạo với thế giới trong tránh để xảy ra xung đột khi hội đàm trực tuyến ngày 15/11.
- Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết Mỹ đang mong muốn tạo dựng một khuôn khổ kinh tế vượt xa hơn cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
- Lạm phát ở Anh cao nhất 10 năm, với CPI trong tháng 10 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo tăng 3,9%. Ngân hàng hồi đầu tháng giữ nguyên lãi suất, đang theo dõi hàng loạt số liệu quan trọng trong bối cảnh lạm phát vẫn cao, tăng trưởng chững lại và điều kiện lao động thắt chặt.
- Đại diện Nhật Bản và Mỹ đã có cuộc gặp để thảo luận về mức thuế bổ sung mà Washington áp đặt đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản.
- Giá dầu giảm vào ngày thứ Tư (17/11), sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cảnh báo về tình trạng dư cung sắp xảy ra và khi số ca nhiễm Covid-19 ở châu Âu làm tăng nguy cơ suy giảm nhu cầu phục hồi.
- Tổng thống Joe Biden đã đề nghị một số quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới cân nhắc xả dầu từ kho dự trữ để hạ nhiệt giá, thúc đẩy phục hồi kinh tế.
- Hạ viện Hoa Kỳ đã thúc đẩy cuộc bỏ phiếu vào thứ Năm đối với dự luật đầu tư trong nước trị giá 1.75 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Joe Biden, bất chấp việc tăng thêm thâm hụt ngân sách. Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tăng thêm 367 tỷ đô la trong 10 năm.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Thủ tướng thăm chính thức Nhật Bản từ 22-25/11.
- Số ca nhiễm Covid mới gia tăng mạnh trong quá trình mở cửa nền kinh tế, đạt mức trung bình 9,278 ca trong 7 ngày gần nhất và số ca tử vong trên mức bình quân 7 ngày.
- 23/11, PMI sản xuất và dịch vụ Anh, EU và Hoa Kỳ.
- 24/11, Đơn xin trợ cấp thất nghiệp, Đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền, Dự trữ dầu thô GDP quý III điều chỉnh Hoa Kỳ.
- 25/11, Biên bản cuộc họp FOMC; Chủ tịch ECB phát biểu.
- 26/11, Chủ tịch NHTW Anh phát biểu
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

