I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG TUẦN VỪA RỒI
TTCK Việt Nam
Vận động luân chuyển tại các cổ phiếu lớn giúp VN-Index áp sát 1,400 điểm, phân hóa mạnh sẽ sớm diễn ra cùng với mùa công bố KQKD quý III.
- VN-Index có tuần tăng điểm tích cực với mức tăng 1.45%. Dòng tiền vẫn duy trì tại các cổ phiếu lớn ngành Ngân hàng, VLXD, Hóa chất hỗ trợ chỉ số áp sát ngưỡng tâm lý 1,400 điểm. Số ngành tăng điểm áp đảo với 16/19 ngành cho dù mức độ phân hóa đã lớn hơn tuần trước khi có 245 cổ phiếu tăng và 139 cổ phiếu giảm.
- Những phiên giao dịch cuối tuần diễn ra trong biên độ hẹp với thanh khoản trung bình cho thấy thị trường vẫn cần thời gian tích lũy trước khi có vận động xu hướng rõ ràng hơn nhờ gói kích thích kinh tế dự kiến được Quốc hội thông qua trong kỳ họp từ 20/10 – 10/11.
- Mức độ phân hóa của thị trường dự báo lớn hơn trong tuần tới khi các doanh nghiệp công bố KQKD quý III. Tính đến 15/10, 26 công ty niêm yết trên 2 sàn (tỷ lệ 3.4%) công bố KQKD quý III với LNST sụt 39.6% so với cùng kỳ. Các cổ phiếu đã công bố phần lớn là cổ phiếu vừa và nhỏ.
- Cổ phiếu có mức sụt giảm LNST mạnh nhất so cùng kỳ gồm PPC (-125 tỷ) và BAX (-114 tỷ). Hoạt động công bố KQKD sẽ tập trung trong 2 tuần tới. Bức tranh LNST sẽ có nhiều thay đổi nhưng nhìn chung KQKD sụt giảm hiện tại cũng phản ánh phần nào mức độ khó khăn của nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian giãn cách kéo dài.
Dòng tiền của tổ chức trong nước đóng vai trò quan trọng giúp VN-Index biến động tích cực trong tuần vừa qua, trong khi đó, cả khối ngoại và cá nhân trong nước đều bán ròng
- Cụ thể, theo dữ liệu từ FiinPro, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) mua ròng trở lại 607 tỷ đồng ở sàn HoSE. Nếu tính theo phương thức khớp lênh thì giá trị mua ròng là 888 tỷ đồng
- Đối với khối tự doanh công ty chứng khoán, dòng vốn này có tuần mua ròng thứ 7 liên tiếp với giá trị tăng 69% so với tuần trước và đạt mức 1.181 tỷ đồng. Tính chúng cả 7 tuần, khối tự doanh mua ròng tổng cộng 3.222 tỷ đồng.
- Trái ngược với tổ chức trong nước, cá nhân trong nước giao dịch tiêu cực trở lại khi bán ròng 1.097 tỷ đồng, trước đó, dòng vốn này đã mua ròng 6 tuần liên tiếp. Đây cũng là tuần bán ròng mạnh nhất của cá nhân trong nước kể từ thời điểm giữa tháng 7. Nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh, giá trị bán ròng giảm xuống còn 793 tỷ đồng.
- Khối ngoại có tuần bán ròng thứ 10 liên tiếp với giá trị giảm 32% so với tuần trước đó và ở mức 692 tỷ đồng. Tính tổng cộng, dòng vốn ngoại đã bán ròng 20.689 tỷ đồng. Nếu tính về giao dịch khớp lệnh, khối ngoại bán ròng 1.216 tỷ đồng ở tuần từ 11-15/10, giảm 38% so với tuần trước.

TTCK Thế giới
TTCK Hoa Kỳ có tuần tăng tích cực, tiến sát đỉnh kỷ lục trước số liệu KQKD quý III và thị trường việc làm tích cực
- CPI Hoa Kỳ tăng 0.4% mom và tăng 5.4% trong 12 tháng, cao hơn 0.1% so với mức dự báo và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 1/1991. Tuy nhiên loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm, CPI lõi chỉ tăng 0.2% MoM và 4% trong 12 tháng.
- Lạm phát gia tăng nhanh kéo theo việc NHTW sẽ sớm có hành động thu hẹp các biện pháp kích thích. Biên bản FOMC ngày 13/10 cho thấy FED có thể bắt đầu siết chương trình mua tài sản sớm nhất vào tháng 11/2021. Theo đó, FED có thể giảm 10 tỷ USD/ tháng với trái phiếu chính phủ và 5 tỷ/ tháng với MBS. Biểu đồ “dotplot” cho thấy một nửa thành viên FED có ý định muốn nâng lãi suất từ năm 2022. Những thông tin này không bắt ngờ với NĐT khi các chỉ số CK Hoa Kỳ duy trì tăng tích cực và chỉ cách mức cao kỷ lục khoảng 2%.
- Mùa công bố KQKD với một số Ngân hàng lớn có lợi nhuận cao hơn kỳ vọng đã hỗ trợ thị trường tăng điểm. Ngoài ra số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở mức 293 nghìn, lần đầu giảm dưới 300 nghìn đơn trong thời kỳ dịch cũng hỗ trợ cho thị trường tích cực.
- Quan ngại lạm phát cũng đang diễn ra ở nhiều quốc gia. IMF cũng cảnh báo khả năng siết chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến. IMF đồng tình đánh giá FED rằng lạm phát sẽ dịu lại nhưng cũng cho rằng các dự báo này “có độ không chắc chắn khá cao”. NHTW các nước nên chuẩn bị tâm lý để hành động nhanh chóng nếu rủi ro kỳ vọng lạm phát gia tăng.
- Tiếp nối hành động của một vài NHTW Nauy, Brazil, Mexico, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore ngày 14/10 cũng quyết định nâng biên độ Đôla Singapore từ mức 0%, đồng nghĩa cho phép đồng tiền này tăng giá tiền khác nhằm chống áp lực lạm phát nhập khẩu từ nước ngoài. Với áp lực gia tăng từ nhiều NVL cho sản xuất, lạm phát do vậy sẽ là vấn đề quan tâm không chỉ của các NHTW mà còn rủi ro cho các thị trường tài chính trên toàn cầu những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.
II. TIN VĨ MÔ
Việt Nam
- Trong báo cáo ngày 14/10/2021, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống còn 3,78%, giảm 2,72% so với dự báo hồi tháng 4.
- Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, sau hơn 1 năm EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 54,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Cụ thể, trị giá xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 38,5 tỷ USD, tăng 11,3% so cùng kỳ và trị giá nhập khẩu của nước ta từ EU là 16,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại thặng dư 22,3 tỷ USD.
- Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP, theo đó mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19.
- Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 10/2021. Theo đó, tổ chức này ước tính tăng trưởng năm nay của Việt Nam đạt 2-2.5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4.8% công bố hồi tháng 9. Mức dự báo mới dựa trên cơ sở GDP quý 3 giảm sâu 6.2% so với cùng kỳ năm trước và dự báo trong thời gian tới việc vận hành trở lại của nền kinh tế cũng sẽ đối diện với một số thách thức.
- Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, NHNN bổ sung quy định không được cho khách hàng vay để mua nợ, ngừa khả năng che giấu nợ xấu.
Thế giới
- Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tuần trước, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống dưới 300.000 lần đầu tiên kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19.
- Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung và chế ngự giá cả tăng cao trong thời gian Giáng sinh, nhưng thực trạng các chuỗi cung ứng tại Mỹ chưa thể đáp ứng được chính sách này.
- Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9/2021 của Trung Quốc tăng 10.7% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 11/1995. Đà tăng của PPI chủ yếu đến từ sự nhảy vọt của giá than và các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng. Chỉ số PPI tăng mạnh củng cố thêm rủi ro lạm phát trên toàn cầu và có thể buộc các doanh nghiệp phải chuyển phần tăng chi phí cho người tiêu dùng
- Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 tăng 0.4% so với tháng trước và tăng 5.4% so với cùng kỳ, cao hơn con số dự đoán của các chuyên gia là 0.3% và 5.3%. CPI cơ bản tăng 0.2% so với tháng trước và 4% so với cùng kỳ, gần khớp với kỳ vọng lần lượt là 0.3% và 4%.
- Biên bản từ cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) có thể bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản ngay từ giữa tháng 11/2021.
- Trung Quốc cho biết đã có những buổi thảo luận với Mỹ về các tranh chấp giữa hai bên trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden chủ tịch nước Tập Cận Bình được dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
- Trung Quốc thặng dư thương mại kỷ lục với Mỹ. Cụ thể, thặng dư thương mại với Mỹ tăng 42 tỷ USD, cao kỷ lục, với xuất khẩu tăng 30% trong khi nhập khẩu chỉ tăng chưa đến 17%. Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất, tính theo quốc gia, của Trung Quốc.
III. THÔNG TIN TUẦN TIẾP THEO
- Quốc hội kỳ 2 khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20/10 và bế mạc vào 10/11. Cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội cho thấy nội dung quan trọng thông qua gồm:
- Kế hoạch kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2021 và 2022; báo cáo Chính phủ về phòng chống dịch Covid;
- Thảo luận và cho ký kiến kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 và quy hoạch đất quốc gia 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025.
- VN-Index kiểm tra vùng tâm lý 1,400 điểm trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh dần bình thường hóa và mùa công bố KQKD quý III.
- Ngày 18/10, GDP quý III, doanh thu bán lẻ, chỉ số sản xuất công nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp Trung Quốc; chỉ số sản xuất công nghiệp Hoa Kỳ; Khảo sát triển vọng kinh doanh NHTW Canada.
- Ngày 19/10, Biên bản chính sách tiền tệ NHTW Australia và bài phát biểu Thống đốc NHTW Anh.
- Ngày 20/3, CPI của Anh, Canada và dự trữ dầu thô Hoa Kỳ.
- Ngày 21/10, Đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu Hoa Kỳ.
- Ngày 22/10, Chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ EU, Anh, Hoa Kỳ.
IV. DIỄN BIẾN DÒNG TIỀN

